Giá USD quy đổi ở thị trường không chính thức tại Lào đạt ngưỡng lịch sử 10.000 Kip/USD.
Khoảng cách giữa tỷ giá hối đoái chính thức trong hệ thống ngân hàng và thị trường ngoài tại Lào liên tục được nới rộng trong vài tháng qua tiếp tục xuất phát từ tình hình bất ổn cán cân cung-cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà nhập khẩu và thúc đẩy lạm phát gia tăng.
Các ngân hàng thương mại niêm yết mức tỷ giá quy đổi USD với đồng nội địa Lào khoảng 9.238 Kip hôm 9/10, trong khi cùng thời điểm, giá quy đổi ở thị trường ngoài đạt ngưỡng 10.000 Kip/USD, vượt đỉnh lịch sử được ghi nhận trước đó.
Việc không thể mua USD và bath Thái Lan từ ngân hàng do các quy định hạn chế khiến người có nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt là các nhà nhập khẩu phải tìm kiếm tại điểm quy đổi ở thị trường ngoài.
Việc này dẫn đến giá cả hàng hóa sẽ được tính theo tỷ giá quy đổi của thị trường ngoài, từ đó làm tăng mức độ lạm phát và đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên là người thu nhập thấp tại thành thị, khi 77% lượng tiêu thụ thực phẩm, hàng tiêu dùng nằm ở khu vực này.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6, tỷ giá hối đoái chính thức Kip/USD giảm 4,2%, trong khi tỷ giá thị trường ngoài giảm 9% vào tháng 4 năm 2020 so với năm ngoái. Đồng thời, tỷ giá Kip/baht giảm 7%.
Sự thiếu hụt thanh khoản ở thị trường chính thức khiến cán cân cung-cầu ngoại tệ chênh lệch ngày càng lớn, khiến sự chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa hai thị trường vượt ngưỡng lịch sử. Điều này còn ảnh hưởng từ vấn đề tăng cường tích trữ ngoại tệ vì lo ngại đồng Kip tiếp tục trượt giá.
Cục Thống kê Lào báo cáo mới đây cho biết giá trị của đồng Kip đã giảm 4,29% so với USD và 10,3% so với đồng baht Thái Lan trong tháng 7.
Trong khi đó, lượng ngoại tệ ở thị trường ngoài ở Lào được cho là rất lớn, tuy nhiên tỷ giá quy đổi liên tục ở mức cao.
Lào vẫn đang là quốc gia nhập siêu, với mức thâm hụt thương mại được ghi nhận gần nhất trong tháng 8 là 7 triệu USD.
Đại dịch Covid-19 cũng đang tiếp tục làm gián đoạn xuất khẩu cùng dòng du khách nước ngoài và đầu tư vào Lào, các lĩnh vực được coi là nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.
Việc siết chặt hoạt động giao thương biên giới và đồng Kip tiếp tục mất giá sẽ tiếp tục khiến lạm phát ở mức cao.
Khủng hoảng Covid-19 cũng làm trầm trọng thêm các lỗ hổng cấu trúc lâu đời trong nền kinh tế vĩ mô của Lào, bao gồm khả năng quản lý hạn chế, dẫn đến tình hình tài khóa và tiền tệ ảm đạm, ngay cả khi chưa xuất hiện đại dịch.
Theo WB, việc hạn chế tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất hợp lý, Lào sẽ cần sự hỗ trợ đáng kể từ các đối tác phát triển để giải quyết vấn đề về cán cân thanh toán vào năm 2020.
Tổng hợp