Bộ Công thương Lào thừa nhận hàng hóa nhập khẩu vào nước này đều xuất phát từ nhu cầu sử dụng cao và Lào hiện chưa có khả năng tự sản xuất. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có thể sản xuất lại không thể đáp ứng điều kiện về giá và chất lượng. Điều này phản ánh khả năng cạnh tranh kém của các doanh nghiệp trong nước. Những sản phẩm nội địa bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ thực trạng này chủ yếu là hàng tiêu dùng như rau củ, thịt, trái cây, các loại thịt chăn nuôi như bò, lớn, gà, cá, thực phẩm, cà phê, đồ uống, bia… cho đến các sản phẩm công nghiệp như xi măng, thuốc lá…
Cũng liên quan đến vấn đề này, cơ chế pháp lý liên quan đến xuất-nhập khẩu hàng hóa của Lào không phải là ít (Luật khuyến khích đầu tư, Luật thực phẩm, Luật bảo vệ thực vật, Luật đo lường…) nhưng hiệu quả thực thi rất yếu, tính tương hỗ giữa các quy định không cao.
Ứng phó với tình trạng trên, hồi giữa năm 2019, theo chủ trương của chính phủ Lào, cơ quan điều phối cấp Trung ương về cải thiện thương mại được thành lập, đây là cơ quan liên bộ, ngành, được yêu cầu phối hợp nghiên cứu và áp dụng những biện pháp vừa mang tính duy trì lợi ích cho người tiêu dùng nhưng phải đảm bảo tăng cường bảo hộ doanh nghiệp sản xuất nội địa bằng cách thắt chặt quản lý và giảm lệ thuộc vào nhập khẩu, bao gồm việc tăng cường kiểm soát dòng hàng hóa qua lại giữa Lào với các nước láng giềng như Việt Nam và Thái Lan nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với các tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ… Tuy nhiên, Lào vẫn cam kết những quy định mới được đưa ra vẫn sẽ đảm bảo nghĩa vụ của nước theo các điều ước quốc tế mà mình là thành viên.
Ngoài ra, Lào cũng có một số động thái chủ động nhằm quản lý chặt chẽ hơn dòng hàng hóa trong nước như xử lý các trường hợp buôn lậu, bắt giữ và tiêu hủy hàng giả hàng nhái, khuyến khích người dân sử dụng hàng hóa có nguồn gốc trong nước. Đặc biệt là cải thiện khả năng nhận thức về quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh (đơn cử nhiều đơn vị khi bị nhắc nhở còn không biết có quy định bắt buộc nhãn hiệu hàng hóa trong nước phải sử dụng tiếng Lào là chính). Mặt khác, chính phủ Lào cũng kêu gọi các cơ quan ban ngành loại bỏ băng đỏ, đẩy nhanh quá trình phê duyệt các giấy phép. Trong vài năm trở lại đây, giới doanh nghiệp Lào liên tục phàn nàn sự quan liêu của cán bộ và thời gian cấp phép quá lâu đã lâm gia tăng chi phí đầu vào sản xuất và gây nản lòng đầu tư.
Tựu chung, quy định thì cũng đã ban hành, cơ chế khuyến khích sản xuất trong nước của Lào cũng đã được triển khai… đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ của cơ quan chức năng có liên quan để đem lại hiệu quả. Nếu đánh trống bỏ dùi, các quy định này lại vô hình trung đẩy người dân Lào vào thế sử dụng hàng hóa nhập khẩu với chi phí đắt đỏ hơn…trong khi vẫn không thể cải thiện những yếu kém cạnh tranh về giá và chất lượng của hàng nội địa so với hàng ngoại nhập.
Tổng hợp