Thuộc khuôn khổ kế hoạch chiến lược cải cách tổng thể ngành giáo dục Lào giai đoạn 2021-2025, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào sẽ ưu tiên cải cách chương trình dạy và học tại các trường trung học.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Thể thao đã phê duyệt chính sách chú trọng cải thiện năng lực và phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả dạy và học cấp trung học thông qua việc tăng cường lựa chọn các môn học lĩnh vực tự nhiên-xã hội.
Theo đó, các học sinh năm thứ 5-6-7 (tương đương với cấp trung học phổ thông) sẽ được tự chọn các môn toán, hóa học, văn học, chính trị (tương đương bộ môn giáo dục công dân), ngoại ngữ, lịch sử và địa lý theo sở thích và cảm nhận năng lực cá nhân. “Cách học này sẽ giúp học sinh có điều kiện phát triển và cải thiện kết quả học tập”, Vụ trưởng sư phạm giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Keth Phanlak cho biết. “Cải cách chương trình giảng dạy sẽ giúp học sinh tiếp cận các môn học mà học sinh có tiềm năng nhất, từ đó tiêu chuẩn giáo dục quốc gia sẽ được cải thiện. Năm 2019, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chính thức phê duyệt đề án mở rộng chương trình học nghề (điện, làm mộc…) tại các trường trung học trên cả nước, đồng thời kêu gọi tăng cường tuyển dụng giáo viên trong lĩnh vực này. Điều này mang lại nhiều lợi ích khi vừa có thể khuyến khích tăng cường lực lượng giáo viên nghề và vừa làm đa dạng lựa chọn của học sinh, định hướng cho một nhóm lớn học sinh phát triển sự nghiệp theo con đường học nghề, hiện đang phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động trong nước. Nội dung cải cách giáo dục cấp trung học hiện được được thí điểm tại trường năng khiếu thể thao ở quận Naxaithong và Trường Năng khiếu thuộc Đại học quốc gia Lào.
Trong nhiều năm trở lại đây, chính phủ Lào có ít động thái cải cách giáo dục khiến tư duy về phát triển con người ở nước này đi chệch hướng so với xu thế phát triển của thị trường lao động. Mục tiêu trở thành cán bộ nhà nước hoặc làm việc thu nhập cao trong môi trường chuyên nghiệp khiến giới trẻ Lào đổ xô đi học các ngành về tài chính-ngân hàng nhưng hầu hết đều không đạt được những năng lực cần thiết để các nhà tuyển dụng có thể chấp nhận.
Trong khi xu thế của thị trường lao động Lào những năm gần đây là lao động lành nghề thì lĩnh vực này tại Lào lại quá ảm đạm khi giáo viên có chuyên môn ít và học viên theo học cũng không nhiều. Năm 2017, các nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án đường sắt Vientiane-Côn Minh đưa ra nhu cầu 7.112 nhân lực là người Lào để tham gia các vị trí chuyên gia (211 người), kỹ sư (505 người), nhân viên văn phòng (56 người) và 6.340 lao động lành nghề. Tuy nhiên, Lào chỉ đáp ứng được hơn 3.000 vị trí việc làm ở các hạng mục không liên quan đến đường sắt, phần còn lại hơn 20.000 vị trí nhường cho các công nhân Trung Quốc.
Liên quan đến vấn đề này, phải nhìn lại từ đầu về chất lượng của lực lượngxây dựng nguồn nhân lực là giáo viên các cấp phổ thông không cao. Cả nước Lào hiện có khoảng 18.000 giáo viên, nhưng lại tập trung bám trụ lại các khu vực đô thị và lực lượng giáo viên ở nông thôn thì yếu và thiếu trầm trọng vì vậy, hạn ngạch công chức của chính phủ Lào trong năm 2020 cũng chủ yếu là giáo viên (1079/2000 suất).
Trong một phát biểu gần đây, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cũng kêu gọi giới trẻ nước này hãy “quên” ý nghĩ cố gắng vào nhà nước hoặc làm việc trong các ngành tài chính-ngân hàng đi mà hãy tập trung vào những ngành mà thị trường lao động đang cần. Học sinh tốt nghiệp phổ thông cần hiểu được nhu cầu của thị trường lao động trong nước và mạnh dạn chọn học các ngành đem lại cơ hội việc làm cao hơn và phù hợp với năng lực, đặc biệt là học nghề (kỹ thuật, cơ khí, làm gỗ…).
Tổng hợp