Chính phủ Lào đã cấp chứng nhận “mỗi huyện một sản phẩm” ODOP cho 218 đơn vị, với tổng cộng 810 mặt hàng, thuộc 214 bản, 96 huyện, trong đó chủ yếu là hàng thủ công nghiệp.
Cục khuyến khích thương mại, Bộ Công Thương Lào mới đây cho biết có đến 59% các mặt hàng “mỗi huyện một sản phẩm” trong nước là đồ thủ công mỹ nghệ, của 128 đơn vị trên cả nước.
Trong khi đó, có 36% là các mặt hàng thực phẩm và đồ uống (79 đơn vị), 5% là sản phẩm dược cổ truyền (11 đơn vị).
Cũng theo Bộ Công Thương, năm 2019 là thời điểm nhiều nhãn hiệu ODOP được chính phủ chứng nhận nhất.
Sân chơi quảng bá của các sản phẩm ODOP Lào hiện tại chủ yếu là các sự kiện triển lãm, hội chợ hàng hóa quy mô nội địa hoặc hợp tác nước ngoài.
Năm 2019, tại Lào diễn ra 2 lần hội chợ Lào-Thái, 2 lần hội chợ Lào-Việt Nam, 2 lần hội chợ Lào-Trung Quốc, tạo điều kiện cho hơn 500 đơn vị trưng bày sản phẩm ODOP của mình. Ngoài ra, các sản phẩm ODOP của Lào cũng đã có mặt tại một số sự kiện ở nước ngoài, bao gồm Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Lào cũng thành lập một kênh thương mại điện tử cho các sản phẩm ODOP trong nước là Plaosme, thúc đẩy tạo điều kiện tiếp cận và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.
Các sản phẩm ODOP cũng nằm trong nhóm được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các chính sách của chính phủ Lào về khuyến khích đảm bảo an ninh lương thực và thương mại hóa hàng hóa trong nước.
Thông qua các hội chợ triển lãm ở nước ngoài, sản phẩm ODOP Lào cũng đã ghi nhận một số hợp tác cung ứng hàng hóa đáng chú ý, đặc biệt là việc xuất khẩu thành công 20 nghìn tấn gạo sang Trung Quốc và đang trên đường đàm phán xuất khẩu thêm 50 nghìn tấn sang thị trường tỷ dân.
Liên quan đến vấn đề này, chính phủ Lào cũng thúc đẩy các điều kiện thuận lợi để một số sản phẩm thế mạnh trong nước được phát triển, ban hành các chính sách hỗ trợ ngắn và dài hạn để khắc phục khó khăn trong sản xuất nội địa, đặc biệt là gạo và cà phê…
Tìm hiểu về Plaosme, website thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp Lào
Tổng hợp