Bất chấp các thách thức từ cả bên ngoài và trong nước, Chính phủ Lào đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế cũng như xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 5 năm qua.
Báo cáo tại ngày họp đầu tiên của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã nêu rõ những thành tựu và thách thức của Lào và trình bày dự thảo Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội quốc gia 5 năm lần thứ 9 (2021-2025).
Theo đó, Lào là quốc gia dễ bị tác động bởi các ảnh hưởng từ bên ngoài, bao gồm suy thoái kinh tế, thiên tai, biến đổi khí hậu, giá dầu và hàng hóa trên thị trường thế giới biến động, kết hợp với ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ công và thâm hụt ngân sách.
Theo Thủ tướng Lào, nền kinh tế đất nước trong giai đoạn 5 năm qua đã không đạt được mục tiêu tăng trưởng dự kiến là 7.2%/năm, khi chỉ đạt bình quân 5.8%/năm. Tuy nhiên, đây là thành quả ở mức trên so với mặt bằng thế giới, mà trong đó có phần không nhỏ đóng góp từ hỗ trợ của quốc gia bạn bè, đối tác phát triển của Lào. Trong khi nhiều dự án lớn trên đường hoàn thành đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của Lào trong tương lai, bao gòm tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, đường cao tốc Vientiane-Boten, các đặc khu kinh tế, dự phát phát triển du lịch và khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Lào đang cố gắng mở rộng khai thác các tiềm năng sẵn có của đất nước, thay vì lệ thuộc vào ngành khai thác tài nguyên tự nhiên, trong bối cảnh ngành sản xuất hàng hóa đứng trước cơ hội lớn, khi các tuyến giao thông kết nối khu vực của Lào hoàn thành.
Chính phủ Lào cũng đưa ra cam kết hướng tới phát triển bền vững bằng cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và ứng dụng khoa học công nghệ vào sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Lào cũng đã đạt được nhiều chỉ số quan trọng để tiến tới mục tiêu rời khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển.
Chính phủ Lào tuyên bố sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp song song với công nghiệp chế biến, đồng thời khuyến khích các dịch vụ tạo cơ hội việc làm. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy nhiên, các thách thức cho mục tiêu phát triển bền vững của Lào vẫn là gánh nặng nợ công gia tăng, tỷ giá hối đoái biến động đã thúc đẩy lạm phát và chi phí tiêu dùng tăng cao, trong khi Lào vẫn đang là quốc gia nhập siêu, khiến nguồn dự trữ ngoại tệ luôn ở mức thấp.
Chính phủ Lào cho biết sẽ tiếp tục dỡ bỏ nhiều rào cản hơn và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút thêm đầu tư từ bên trong Lào và từ nước ngoài, nhằm thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc khuyến khích nhà đầu tư gia tăng sử dụng lao động nội địa trong các dự án của mình.
Tổng hợp