Bất chấp việc điều chỉnh tăng gấp 3 lần mức thu nhập cơ bản trong 7 năm trở lại đây, người dân Lào phần lớn đều gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống do vật giá leo thang từng ngày,
Mới đây, trong hội nghị liên ngành được tổ chức bởi Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào và Trung ương liên hiệp công đoàn Lào để họp bàn về việc điều chỉnh sàn lương cơ bản, cải thiện cuộc sống cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, bà Baykham Khattiya khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập mức lượng cơ bản hợp lý, trong bối cảnh thu nhập của người dân không đổi nhưng vật giá liên tục leo thang.
Đối với pháp luật Lào, mức lương cơ bản được hiểu là mức thù lao thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho lao động phổ thông, tức là lao động không có kỹ năng. Tại hội nghị, các nhà chức trách cũng kêu gọi khu vực tư nhân nên chú ý đến vấn đề thu nhập và chế độ đãi ngộ cho người lao động, những người đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp.
Theo phó chủ tịch Trung ương liên hiệp công đoàn Lào, ông Symoune Ounlasy cho biết, mức lương cơ bản của Lào hiện thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Myanmar, Campuchia và Thái Lan. Trong khi đó, theo nhận định của đại diện Tổ chức Lao động quốc tế ILO, mức thu nhập thấp khiến dòng lao động di cư từ Lào đi ra các nước láng giềng là rất lớn, đây là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo khó.
Trong thời gian qua, Chính phủ Lào đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát quy mô toàn quốc để đánh giá mức lương cơ bản có tác động như thế nào đến đời sống của người dân. Kết quả cho thấy mức lương cơ bản hiện tại không phù hợp với tình hình xã hội hiện tại. Bất chấp việc đều đặn điều chỉnh nâng mức lương cơ bản, giá cả hàng tiêu dùng và thực phẩm tăng cao đã phản ánh cuộc sống khó khăn của đa số người dân có thu nhập thấp. Theo khảo sát của Bộ Công thương Lào, chi phí sinh hoạt tại nước này cao hơn Việt Nam và Thái Lan lên đến trên 40%.
Kể từ năm 2012, Chính phủ Lào đã điều chỉnh mức lương cơ bản thời điểm đó từ 348.000 kíp lên 626.000 kíp, tăng lên 900.000 trong năm 2015 và áp dụng mức lương 1.1 triệu kíp kể từ năm 2018 đến nay.
Tại Lào, không khó để nhận thấy nhu cầu lao động không hề nhỏ, tuy nhiên, hầu hết các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng đều đề nghị mức thu nhập quá thấp, dẫn đến việc lao động Lào qua biên giới để tìm kiếm việc làm tại Thái Lan, một quốc gia phát triển mà họ không gặp phải rào cản về ngôn ngữ.
Tổng hợp