Lào vừa ngừng thực hiện Dự án Hội nhập Kinh tế Khu vực ASEAN, Phát triển Thương mại và Doanh nghiệp (RELATED), một sáng kiến hợp tác phát triển song phương với Đức từ năm 2014.
Mục tiêu xuyên suốt của dự án là cải thiện điều kiện thực thi khung chính sách của cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trên cơ sở khai thác các tiềm năng trong quá trình hội nhập khu vực của Lào.
Cuộc họp thông báo kết thúc tiến trình hợp tác dự án RELATED diễn ra tuần qua có sự tham dự của Bộ trưởng Công Thương Khammany Pholsena, Đại sứ Đức tại Lào Jens Peter Lutkenherm cùng đại diện các ban ngành, tổ chức, đối tác phát triển có liên quan.
Việc ngừng hợp tác trong dự án RELATED, dự kiến vào cuối năm 2020 diễn ra theo quá trình triển khai chiến lược BMZ 2030 của Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế liên bang Đức, mà Lào là 1 trong 25 quốc gia mà Đức sẽ rút gọn dần các hợp tác song phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Lào Khammany Pholsena đánh giá cao các kết quả đạt được từ dự án thông qua hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Đức trong hơn 6 năm triển khai.
Dự án RELATED đã hỗ trợ Lào thiết lập khung chính sách liên quan đến AEC về lĩnh vực thương mại, dịch vụ và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân theo định hướng AEC trong lĩnh vực du lịch, sản xuất cà phê, nông nghiệp hữu cơ và thủ công mỹ nghệ, đồng thời tăng cường năng lực của các trung tâm tư vấn doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Ngoài ra, RELATED cũng thiết lập hợp tác với Phòng Công nghiệp và Thương mại Quốc gia (LNCCI), Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ, Hiệp hội Nhà hàng Khách sạn và Hiệp hội cà phê Lào để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước thông qua các chương trình đào tạo.
Lào và Đức có quan hệ ngoại giao và hợp tác kể từ năm 1958. Trong đó Đức đã hỗ trợ Lào phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản và góp phần tăng cường lĩnh vực giáo dục theo mục tiêu tổng thể là xóa đói giảm nghèo.
Kể từ năm 1990, Đức mở rộng hỗ trợ Lào trong lĩnh vực đào tạo nghề và quản lý lâm nghiệp, đồng thời khởi xướng một số dự án thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường mở, qua đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội Lào.
Trong suốt 60 năm hợp tác, Chính phủ Đức cũng đã cung cấp cho Lào khoản viện trợ trong nhiều dự án trị giá khoảng 500 triệu EURO.
Tổng hợp