Chính sách chuyển đổi tài sản thành vốn nằm trong 10 vấn đề quan trọng được thảo luận tại Kỳ họp Chính phủ Lào mở rộng diễn ra tuần qua.
Theo đó, các bộ ngành Chính phủ được chỉ đạo nghiên cứu cơ chế và cách thức thực hiện chính sách nói trên nhằm thúc đẩy các lợi ích quốc gia.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith, báo cáo triển khai chính sách vốn hóa tài sản công trong những năm qua thừa nhận nhiều tồn đọng và hạn chế trong triển khai, khiến tài sản quốc gia bị thiệt hại đáng kể.
Theo người phát ngôn Chính phủ Lào Chaleun Yiapaoher, chính sách vốn hóa tài sản là một phần trong quá trình cải cách liên tục của đối với các doanh nghiệp quốc doanh, nhằm mục đích giảm gánh nặng nợ đang còn tồn đọng.
Cũng trong hội nghị, Chính phủ Lào đã thảo luận về tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế đất nước, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, du lịch và các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ khác, khiến nguồn thu nhập của nhiều thành phần xã hội bị giảm sút.
Tuy nhiên, bất chấp các thách thức, Chính phủ Lào đã tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân phục hồi và bình thường hóa hoạt động trở lại, với điều kiện phải đảm bảo biện pháp phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ lây lan Covid-19.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng xem xét tiến trình hành động đưa Lào ra khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển (LDC); báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng thắt chặt quản lý khai thác và vận chuyển gỗ cũng như hoạt động của các doanh nghiệp chế biến gỗ.
Chính phủ Lào cũng thảo luận và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa cấp Trung ương và địa phương trong việc thúc đẩy lĩnh vực sản xuất thương mại, đặc biệt là hàng nông sản phù hợp với thế mạnh từng vùng.
Bên cạnh đó, tiến độ cải thiện chính sách nhằm thuận lợi hóa môi trường đầu tư, kết nối cơ sở dữ liệu đa ngành, đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định, duy trì trật tự trị an xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Tổng hợp