Lào đang tiếp tục thảo luận giữa các nước Mekong để đánh giá sự phát triển lấy cộng đồng định hướng (CDD) trong nỗ lực thúc đẩy xóa bỏ mọi hình thức nghèo đói vào năm 2030.
Các nhà chức trách liên quan đã tổ chức cuộc họp nghiên cứu đánh giá cuối cùng của dự án CDD thuộc khung hợp tác Lan Thương-Mekong, bao gồm các nước Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Lào, tại thủ đô Vientiane hồi trung tuần tháng 12 vừa qua.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào Linkham Douangsavanh đã đưa ra các thông tin về dự án CDD được triển khai tại Lào, đặc biệt là việc thành lập Quỹ Xóa đói giảm nghèo – một dự án của chính phủ và có sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn bằng cách đảm bảo an ninh lương thực.
Theo đó, hoạt động thúc đẩy sản xuất thương mại, cung cấp cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, củng cố cộng đồng, tạo thu nhập và đảm bảo nghề nghiệp, và giải quyết các vấn đề dinh dưỡng đã được thực hiện trong 17 năm qua bởi Quỹ Xóa đói giảm nghèo. Cho đến nay, kết quả của các dự án trước đây đang tiếp tục được tăng cường để tập trung giải quyết tình trạng nghèo đói trong giai đoạn phát triển nông thôn mới tại Lào, theo ông Linkham.
Vì vậy, dự án nghiên cứu này sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi nghiên cứu giữa các nước Mekong, Thứ trưởng Linkham nhấn mạnh. Bên cạnh đó, thuộc khuôn khổ hợp tác Lan Thương-Mekong cho lĩnh vực giảm nghèo có liên quan đến CDD, Lào đã nhận khoản tài trợ 224.000 USD từ Chính phủ Trung Quốc.
CDD là một hình thức phát triển nhằm trao quyền cho người dân ở các khu vực mục tiêu tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo thông qua việc phân bổ tài chính trực tiếp và thúc đẩy trách nhiệm ra quyết định, xác định các nhu cầu ưu tiên, đảm bảo đối tượng mục tiêu có thể tự thực hiện biện pháp giảm nghèo trên cơ sở hỗ trợ nhận thức và thông tin từ Chính phủ và các đối tác phát triển.
Tổng hợp