Mới đây, báo chí Lào dẫn phỏng vấn ông Takewaka Keizho, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Lào về sự kiện kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản đối với Chính phủ Lào và người dân Lào trong thời gian qua.
Ông Takewaka, người vừa bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ Nhật Bản tại Lào cho biết rất vinh dự khi được làm việc tại đất nước Triệu Voi, được tiếp xúc với đời sống của nhân dân Lào. Để lưu giữ lại các cảm xúc, ông cũng đã viết “Nhật ký” và đăg tải trên trang mạng xã hội Facebook của Đại sứ quán Nhật Bản tại Lào.
Dưới đây là bài phỏng vấn của Đại sứ Nhật Bản Takewaka Keizho trước truyền thông Lào:
- Nhân kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược được tổ chức vào ngày 05/03/2020, xin ông cho biết về các hoạt động phát huy tình hữu nghị và hợp tác giữa Lào – Nhật Bản? sẽ tổ chức những hoạt động gì để kỷ niệm sự kiện đặc biệt này?
Năm 2020 là năm rất đặc biệt đối với Nhật Bản và Lào, bởi đây là năm tròn 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và là lần đầu tiên kỉ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Do mối quan hệ giữa hai bên đã được nâng cấp thành đối tác chiến lược năm 2015, tình hữu nghị và hợp tác song phương được phát huy mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, không chỉ lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và trao đổi các chuyến thăm. Trong lĩnh vực chính tri, an ninh chúng ta có thể thấy hoạt động trao đổi chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai bên thường xuyên diễn ra.
Trong 5 năm qua, hai nước đã 7 lần phối hợp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh và Hội nghị cấp cao. Thủ tướng Thoong-lun Sỉ-sụ-lít đã tới thăm Nhật Bản hàng năm kể từ khi nhậm chức vào năm 2016. Ngoài ra, hai bên còn trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cơ quan lập pháp. Chủ tịch Quốc hội Pa-ny Da-thò-tụ cũng đã tới thăm Nhật Bản vào tháng 03/2019. Về phía Nhật Bản, đoàn đại biểu Thượng viện do ông Okawa Toshio dẫn đầu đã tới thăm Lào vào tháng 12/2019.
Trước đó, tháng 10.2019, ông Wakamada Kenzhi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã có chuyến thăm Lào, đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của ông này. Tới tháng 1/2020 ông Kihara Minoru, cố vấn đặc biệt về an ninh của Thủ tướng Nhật Bản cũng đã có chuyến thăm Lào.
Cùng thời điểm đó, chúng tôi cũng rất vinh dự được đón Phó Chủ tịch nước Lào Phăn-khăm Vị-pha-văn, đại diện cho CHDCND Lào đến tham dự Nghi lễ đăng quang của Nhật Hoàng vào tháng 10/2019. Sau đó, tháng 11/2019 chúng tôi tiếp tục vinh dự được đón Phó Chủ tịch nước Phăn-khăm Vị-pha-văn tới Nhật Bản lần thứ 2, trong chuyến công du lần này, ộng Phăn-khăm vinh dự được nhận Huân chương danh dự Grand Cordon of the Order of the Rising Sun nhằm tôn vinh công lao đóng góp của Phó Chủ tịch nước trong phát huy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nhật Bản và Lào.
Quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng được phát triển mạnh mẽ. Lào có vị trí đặc trưng về mặt kết nối giữa các nước trong khu vực ASEAN, làm cho hoạt động kinh doanh theo hình thức Trung Quốc+1 hay Thái Lan+1 trở thành trung tâm thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Tổ chứ JETRO – là tổ chức chính trong hoạt động khuyến khích thương mại và nhà đầu tư của các công ty tư nhân Nhật Bản, đã thành lập Văn phòng đại diện tại thủ đô Viêng-chăn vào năm 2014. Hiện có hơn 160 công ty của Nhật Bản đang đầu tư ở Lào. Tôi nhận thấy có rất nhiều các công ty, doanh nghiệp của Nhật Bản muốn đầu tư vào Lào và hy vọng sẽ thu hút được đầu tư trực tiếp của Chính phủ Nhật Bản vào Lào, tác động tích cực đến thương mại, trao đổi các chuyến thăm và lưu thông hàng hóa giữa hai nước.
Hội thảo giữa Nhà nước và tư nhân là khung công tác được xây dựng năm 2007, đã tiếp tục tạo cơ hội cho Chính phủ Lào và công ty Nhật Bản bàn bạc để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư tại Lào.
Hơn thế nữa, còn có hoạt động khuyến khích, trao đổi về văn hóa giữa hai nước, đây được coi là lĩnh vực quan trọng; đồng thời đã thành lập Quỹ nhân đạo Nhật Bản tại Tp. Viêng-chăn năm 2014, tạo cơ hội cho gần 1.400 thanh niên của Lào sang thăm Nhật trong khuôn khổ dự án giao lưu mang tên JENESYS được khởi xướng vào năm 2008. Nhằm tạo dựng biểu tượng đặc trưng của tình hữu nghị giữa hai nước, năm 2015 Lào đã trao tặng 04 con voi cho vườn bách thú Thành phố KYOTO/Nhật Bản, phía Nhật Bản cũng đã trao tặng cho Lào 300 cây hoa anh đào – là quốc hoa của Nhật Bản – trồng tại tỉnh Hủa-phăn/Lào. Sau khi vườn bách thu KYOTO/Nhật Bản tiếp nhận 04 con voi Lào tặng, hàng năm đã thu hút được rất nhiều lượt khách của cả hai nước đến thăm quan, qua đó cho thấy mối quan hệ hợp tác của hai nước ngày càng được phát triển mạnh mẽ.
Năm 2020 Nhật Bản sẽ đăng cai thế vận hội Olympic và Paralympic, trong đó có 4 tỉnh, thành phố của Nhật Bản đăng kí tiếp, đón các vận động viên của Lào đến tham dự. Đồng thời, tại Tp Viêng-chăn, cứ 2 năm Nhật Bản lại tổ chức Lễ hội mang đậm bản sắc của Nhật Bản thu hút được hàng ngàn người tham gia, lễ hội diễn ra từ ngày 31/01/2020 và kết thúc vào ngày 02/02/2020, thu hút hàng ngàn người tham dự, tham quan các gian hàng triển lãm và giải trí cùng cư dân địa phương và màn trình diễn trên sân khấu của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cả Nhật Bản và Lào. Qua các hoạt động này, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Lào được tăng cường vững chắc và sâu sắc hơn. Chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục tạo dựng sự vững mạnh cho hoạt động giao lưu này ngày một sâu sắc hơn nữa trong năm đáng nhớ này.
- Về mặt phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, y tế, nông nghiệp và các ngành khác, Chính phủ Nhật Bản đã có sự hỗ trợ như thế nào cho Chính phủ Lào?
Chính phủ Nhật Bản đã hợp tác về kinh tế với Lào một cách đồng đều, liên tục thông qua viện trợ trực tiếp để phát triển (ODA) kể từ khi có việc ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản với Lào vào năm 1958. Chúng tôi là đối tác phát triển lớn nhất của Lào xét trên trị giá ODA đã cung cấp và sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế – xã hội.
Khi nói tới lịch sử hình thành của quan hệ hợp tác song phương đặc biệt này, nổi bật nhất là việc Lào trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới Nhật Bản cử Thanh niên tình nguyện (JOCV) sang hoạt động vào năm 1965, năm nay chính là dịp kỷ niệm tròn 55 năm nhóm tình nguyện đầu tiên của Nhật Bạn tới Lào.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của JOCV đã cùng với chủ nhà tạo dựng được những thành quả thiết thực ở mọi tỉnh thành của Lào, kết quả đó trở thành nền tảng quan trọng ủng hộ mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước liên tục phát triển hướng tới tương lai.
Nhật Bản còn hỗ trợ mạnh mẽ cho công cuộc phát triển kinh tế của Lào ở nhiều lĩnh vực, bao gồm:
- “Kế hoạch hợp tác phát triển chung Nhật Bản – Lào vì sự phát triển bền vững của Lào”: Kế hoạch này được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh song phương năm 2016, trong đó giải thích hoạt động hợp tác thông qua 03 ngành trụ cột để hỗ trợ Lào nhanh chóng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và thoát khỏi danh sách nước kém phát triển (LDC).
- Tạo dựng sự vững mạnh cho hoạt động kết nối với các nước bạn.
- Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp nhằm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Thu hẹp sự cách biệt thông qua phát triển đồng đều giữa đô thị và nông thôn.
- “Sáng kiến sông Mê Công – Nhật Bản nhằm đạt được SDG vào năm 2030”: Kế hoạch này được thông qua vào tháng 11 năm 2019 nhằm tăng cường hỗ trợ phát triển hợp tác giữa sông Mê Công – Nhật Bản, có mục đích tạo dựng sự phồn thịnh bền vững cho khu vực sông Mê Công đồng thời tạo dựng sự phong phú về thiên nhiên và nguồn nhân lực, đạt được SDG và mang lại lợi ích cho các thế hệ sau.
Căn cứ theo tình hình hiện nay, sáng kiến trên được thiết kế để nhấn mạnh vào vấn đề biện pháp chống gây ô nhiễm sông Mê Công (biện pháp xử lý rác thải nhựa trong môi trường biển và sông ngòi) và các biện pháp phòng ngừa thiên tai vùng hạ du được xếp vào thứ tự ưu tiên chủ yếu.
Trên cương vị là đối tác phát triển và đối tác chiến lược, Nhật Bản rất sẵn sàng trong việc ủng hộ Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội Quốc gia lần thứ 9 (NSEDP). Đây là tài liệu về chính sách quan trọng góp phần quy định các chính sách trong vòng 05 năm tới đối với Lào, chúng tôi thấy rằng năm 2020 là thời điểm quan trọng đối với Lào để bảo đảm cho NSEDP lần thứ 9 có thể hoạch định những nội dung hiệu quả. Do đó, Nhật Bản muốn góp phần vào việc hoạch định nội dung của NSEDP lần thứ 9, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng vào một số chủ đề sau:
- Tăng trưởng có chất lượng và xóa đói giảm nghèo phù hợp với SDG, không để bất cứ ai bị bỏ rơi lại phía sau, nhằm có thể đạt được tiêu chí phát triển bằng nội lực vừa có thể thu hẹp được sự khác biệt trên mọi lĩnh vực, chúng ta phải chú trọng vào tăng trưởng có chất lượng hơn là chỉ tập trung vào số lượng. Tăng trưởng có chất lượng phải được giám sát bởi việc phân bổ lợi ích thu được từ tăng trưởng cho toàn thể cộng đồng, mang tính bền vững, thân thiện với môi trường và phù hợp với các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, có khả năng tự thích ứng một cách nhanh chóng, nhất là trong xã hội thường xuyên phải đối mặt và khôi phục lại từ thiên tai v.v…Nhật Bản đã công bố chính sách này vào năm 2015 trong thời điểm quyết định về Hiến chương hợp tác phát triển.
- Tính bình ổn của kinh tế vĩ mô: trong Hội nghị bàn tròn (RTIM) được tổ chức tại tỉnh Luông-pha-băng hồi tháng 11 năm 2019, đối tác phát triển đa phương bày tỏ sự quan ngại đối với vấn đề nợ công của Lào. Năm 2016, Thủ tướng Thoong-lun Sỉ-sụ-lít đã đề xuất với Thủ tướng Abe Shinzo ủng hộ Lào tạo dựng sự vững mạnh về tài chính. Tháng 01 năm 2020, Nhật Bản đã đưa giới thiệu 07 chính sách với Chính phủ Lào, chúng tôi tin rằng việc tổ chức thực hiện chính sách giảm thiểu tình trạng thâm hụt và nợ công, bảo đảm tính bình ổn cho kinh tế vĩ mô là nội dung cần thiết trong NSEDP lần thứ 9. Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ Lào một cách tích cực trong tổ chức thực hiện công cuộc tạo dựng sự bình ổn tài chính để có thể ghi nhận rằng chúng ta đang đi theo đúng hướng.
- Giảm thiểu rủi ro từ thiên tai (DRR): Lào đang phải đối mặt với rủi ro từ thiên tai xảy ra liên tục với mức độ ngày một gia tăng. Tôi cảm thấy rất tiếc khi biết rằng Lào bị ảnh hưởng nặng nề từ nạn lũ lụt năm 2018 và 2019. Các tổ công tác cả ở cấp quốc gia và địa phương của Nhật Bản có kinh nghiệm và trình độ cao về DRR, trên cương vị là người khởi xướng khung công tác Sendal nhằm giảm thiểu rủi ro từ thiên tai năm 2015, chúng tôi mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và bài học với Lào thông qua cải tạo cơ sở hạ tầng có sức chịu đựng được thiên tai, hệ thống ghi nhận rủi ro và tái thiết tốt hơn nhằm bảo vệ tính mạng cho người dân trong trường hợp xảy ra thiên tai. Chúng tôi tin rằng việc thường xuyên tổ chức diễn tập tránh – trú nạn ở cộng đồng địa phương là một hoạt động quan trọng nên được triển khai.
- Xin ông tự giới thiệu vắn tắt về bản thân, về việc tự thích ứng với đời sống sinh hoạt của ông ở Lào và ông có ấn tượng thế nào đối với nước Lào cũng như người Lào?
Lào là đất nước thứ 3 ở ASEAN tôi được cử đi sinh sống và công tác. Trong suốt nửa năm qua, tôi đã gặp rất nhiều điều mới mẻ mỗi ngày. Tôi còn cảm nhận được rằng người Lào rất thân thiết với người và văn hóa Nhật Bản. Ngược lại, người Nhật Bản vẫn còn nhiều bỡ ngỡ về đất nước và con người Lào giống như cảm nhận của bản thân tôi. Sự tiếp đón nồng hậu, chân tình của người Lào cùng với nét ẩm thực Lào đã thu hút được người Nhật Bản. Tôi cùng gia đình rất hài lòng với cuộc sống ở Thủ đô Viêng-chăn.
Lào là quốc gia có thế mạnh lớn có thể thu hút được du khách trên toàn thế giới. Từ thực tế đi thăm tỉnh Luông-pha-băng, Xay-nhạ-bu-ly, Xê-kong và Chăm-pa-sắc, Tôi đã phát hiện nhiều địa phương ở Lào có thế mạnh lớn trong thu hút du khách và có thể phát triển thành những khu du lịch quan trọng; ngày 22/02/2020 vừa qua, tôi đã tham dự Lễ hội voi tại tỉnh Xay-nhạ-bu-ly. Tôi cũng thường thăm các tỉnh khác của Lào và tiếp xúc nhiều hơn với người dân ở những địa phương đó. Do vậy, tôi tin rằng người Nhật Bản sẽ có thêm nhiều cơ hội được tiếp xúc và làm quen với đất nước Lào trong tương lai.
Cuối cùng, tôi xin nhân dịp này giới thiệu cho quý vị biết về “Nhật ký của Đại sứ Takewaka” trên trang Facebook của Đại sứ quán Nhật Bản tại Lào. Đây là cuốn nhật ký về các hoạt động cá nhân của bản thân tôi được chia sẻ trên Internet, tôi đã bắt đầu viết nhật ký ngay khi đặt chân đến Thủ đô Viêng-Chăn. Hiện nay, trang nhật ký này ngày càng có nhiều người theo dõi, hầu hết mọi người tôi gặp gỡ đều nói rằng họ đã thấy, đã đọc và cảm thấy ấn tượng về các trải nghiệm của mình.
Tôi sẽ rất lấy làm vui mừng nếu quý vị cùng theo dõi chúng tôi và cùng theo dõi, tham gia các hoạt động được đăng tải trên trang Facebook của Đại sứ quán Nhật Bản tại Lào, ông Takewaka cho biết.
Theo Target