Tỉnh Luanprabang đang đối mặt với hiểm họa an ninh nông nghiệp khi có nhiều ha cây trồng và hoa màu đang bị tàn phá bởi châu chấu và sâu keo mùa thu (sâu ăn lá) khiến chính quyền địa phương phải thực hiện phun hóa chất để giảm thiểu thiệt hại.
“Châu chấu bắt đầu xuất hiện lần đầu vào hôm 23/3 và đã làm tổng cộng 1.698ha hoa màu tại 6 huyện Nambak, Viengkham, Ngoy, Phonxay, Phonthong và Pakxaeng bị thiệt hại”, Phó giám đốc Sở Nông Lâm Luangprabang, ông Sivone Vongkhamchanh nói trước truyền thông Lào.
“Ngoài ra, sâu ăn lá mùa thu cũng xuất hiện kể từ cuối tháng 4 tại 3 huyện Pakxaeng, Xiengngeun và Phonthong khiến nhiều ha ngô ngọt bị phá hoại”, ông Sivone cho biết. “Hiện chính quyền địa phương và nông dân đang tổ chức phun hóa chất và sử dụng các phương pháp để bảo vệ cây trồng, đặc biệt tập trung vào khu vực có ấu trùng để ngăn chặn bùng phát đàn châu chấu mới”.
Sự bùng phát của châu chấu thường xảy ra tại các khu vực trồng tre, trong khi sâu ăn lá sẽ phá hoại nhiều diện tích ngô ngọt mỗi năm, chủ yếu xảy ra tại các tỉnh miền Bắc Lào.
Năm 2019, dịch châu chấu cũng xảy ra tại 143 khu vực thuộc 63 bản trên khắp địa bàn tỉnh Huaphan khiến nhiều ha lúa bị thiệt hại, trong khi đó, việc phun thuốc ngăn chặn công trùng phá hoại tại khu vực miền Bắc Lào gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp.
Tại một số địa phương, người nông dân cũng chỉ sử dụng phương pháp diệt côn trùng theo cách truyền thống như đập, đốt thay vì phun hóa chất do lo ngại ô nhiễm môi trường.
Dịch châu chấu phá hoại mùa màng lần đầu tiên được ghi nhận vào tháng 10/2014 tại huyện Phonthong, tỉnh Luangprabang trước khi lan rộng ra tỉnh Huaphan và Phongsaly.
Theo đó, năm 2014, dịch châu chấu xuất hiện tại 140 địa điểm và tiếp tục diễn biến nghiêm trọng hơn trong năm 2015, khi phá hoại mùa màng tại hơn 500 địa điểm thuộc địa bàn 14 huyện của 3 tỉnh nói trên. Đến năm 2016, 640 địa điểm thuộc 376 bản, 23 huyện thuộc các tỉnh Luangprabang, Huaphan, Phongsaly, Xiengkhuang và Oudomxay ghi nhận dịch châu chấu phá hoại.
Theo FAO, dịch châu chấu thường xuất hiện vào tháng 4, bắt nguồn từ việc đẻ trứng vào lòng đất, ấu trùng châu chấu phát triển và phá hoại mùa màng để kiếm ăn trước khi đến tuổi trưởng thành và tiếp tục vòng đời sinh đẻ cho lứa tiếp theo.
Trong khi đó, sâu ăn lá cũng là một thách thức không nhỏ đối với nông nghiệp miền Bắc Lào. Gần nhất vào năm 2019, đã có 9 tỉnh trên cả nước Lào xuất hiện loại sâu này, khiến hơn 92.000 ha ngô ngọt bị ảnh hưởng, trong đó 27.300ha là bị thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh Oudomxay, Xayaboury và Xiengkhuang.
Tổng hợp