Nhờ hình ảnh đất nước giàu tiềm năng về điều kiện đất đai và khí hậu cùng phương pháp canh tác thuần túy, chè của Lào đang từng bước tham gia vào thị trường EU.
Các vấn đề về phát triển ngành công nghiệp chè của Lào đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo ở Vientiane mới đây, là một phần của quá trình khởi động dự án Chè Mekong.
Chuyên gia của dự án, bà Anna-Maria Phayouphorn cho biết xu hướng tiêu dùng chè của người phương Tây là chất lượng, kiểu mới, thân thiện môi trường và có xuất xứ từ vùng đất mới. Vì vậy, Lào có tiềm năng mở rộng ngành chè, đem lại lợi ích thu nhập cho các hộ kinh tế gia đình.
Trái ngược với các nước láng giềng, ngành chè của Lào chưa được chính thức hóa và công nghiệp hóa, phần lớn vẫn hoạt động với các hệ thống sản xuất truyền thống. Do đó chỉ đạt sản lượng thấp, trong khi chất lượng nội tại cao hơn, đất tốt hơn, tài nguyên linh hoạt hơn nên đây trở thành thế mạnh và cơ hội của chè Lào trên thị trường quốc tế. Nếu được quản lý tốt, các hoạt động canh tác chè hoang dã và trồng rừng sinh thái nông nghiệp có thể bảo vệ rừng, phục hồi các tán cây, tăng đa dạng sinh học và tăng cường hấp thụ carbon trong đất. Trong trường hợp này, chè có thể được xếp vào loại nông nghiệp tái sinh, đóng góp tích cực vào các mục tiêu phát triển quốc gia và toàn cầu
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nông Lâm Lào Linkham Duangsavanh cho biết ngành chè Lào đã và đang phát triển và ngày càng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế theo chính sách của chính phủ về tăng trưởng xanh bền vững và phát triển nông nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Dự án Chè Mekong được Chính phủ Pháp tài trơ không hoàn lại 1,5 triệu Euro (gần 17 tỷ kip) thông qua Cơ quan Phát triển Pháp trong giai đoạn 2019-2022. Dự án được thực hiện ở huyện Xaysathan, tỉnh Xayaboury và ở huyện Meung, tỉnh Bokeo với mục tiêu chính là tăng cường thu nhập cho các hộ trồng chè thông qua việc cải thiện quản trị chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường tốt hơn với các sản phẩm chất lượng cao, được chứng nhận.
Các bên liên quan kỳ vọng mô hình tổ chức và sản xuất bền vững sẽ được phát triển và ngành chè sẽ trở thành một nguồn phát triển kinh tế, xã hội và khuyến khích cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Lào.
Tổng hợp