Việc rời khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển (LDC) vào năm 2024, Lào mất đi nhiều ưu đãi thuế quan, trực tiếp tác động tiêu cực lên ngành công nghiệp may mặc của nước này.
Riêng tại thị trường EU, may mặc Lào có thể mất 56 triệu USD do không được hưởng đặc quyền thương mại, theo báo cáo của ICT.
Hiện tại, Hiệp hội may mặc công nghiệp Lào (ALGI) đang tập trung tìm các giảm thiểu tác động từ việc không được tham gia vào Hệ thống ưu đãi phổ cập của nhiều thị trường trên thế giới.
Chủ tịch ALGI Xaybandith Rasphone mới đây thừa nhận rằng ngành công nghiệp may mặc của Lào sẽ phải vật lộn để tồn tại vì các doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực từ các loại thuế quan cho mặt hàng xuất khẩu của mình.
“ALGI sẽ học hỏi kinh nghiệp của Việt Nam và các nước không còn đủ điều kiện xuất khẩu theo cơ chế ưu đãi thuế quan”, ông Xay cho biết.
Bên cạnh đó, may mặc Lào sẽ chuyển hướng và đa dạng hóa thị trường, tăng cường cung cấp nội địa và thiết lập các đàm phán mới với các đối tác Asean.
Lào cũng sẽ cố gắng tiếp cận hệ thống Ưu đãi chung của EU (GSP+) để hưởng lợi ích xuất khẩu vào các thị trường Châu Âu, dự kiến sẽ giúp giảm tổn thất còn 30 triệu USD. Điều này có thể đạt được hay không phụ thuộc vào cam kết của Lào về các yếu tố quản trị tốt và phát triển bền vững.
Hiện có khoảng 72% hàng hóa Lào nằm trong chương trình ưu đãi thuế quan khi nhập sang EU, việc rời khỏi LDC dự kiến sẽ làm Lào tổn thất 73 triệu USD, trong đó, với thị trường lớn nhất là Đức, con số tổn thất dự kiến lên đến 27 triệu USD.
Đối với thị trường EU, may mặc Lào có thể chịu thiệt hại 56 triệu USD, các mặt hàng khác bao gồm đường, giày dép và gạo cũng sẽ chịu hoàn cảnh chung.
Mặt hàng đường xuất khẩu đối mặt với thiệt hại 11 triệu USD, giày dép là 2.4 triệu USD và 2.1 triệu USD với sản phẩm gạo.
Việc thay đổi cơ chế thuế quan sẽ đánh mạnh vào các mặt hàng quần tây nam bằng chất liệu tổng hợp, áo sơ mi cotton nam, đồ lót nam và quần dài nam.
Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu của Lào cũng sẽ bị ảnh hưởng, giảm từ 5.6% hiện nay xuống còn 3.9% vào năm 2024, dự kiến mức tổn thất thương mại sẽ dưới 1.2% tổng xuất khẩu dự kiến của nước này.
Năm 2016, thời điểm gần nhất số liệu được công bố, Lào xuất khẩu may mặc 174.23 triệu USD, giảm 7.25% so với năm 2014.
Ngành may mặc Lào đã tạo ra việc làm cho 27.000 lao động địa phương, trong đó 90% là phụ nữ.
Thị trường xuất khẩu may mặc chính của Lào là EU, Nhật Bản Mỹ và Canada.
Tổng hợp