Được thành lập đúng thời điểm Lào tuyên bố độc lập, ngày Quốc khánh 2/12/1975. Ngành Năng lượng và Mỏ Lào đã có 44 năm phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể đóng góp vào nền Kinh tế Lào.
Giai đoạn trước năm 1980, Cơ quan cao nhất của ngành năng lượng và khoáng sản Lào có tên là Bộ Công nghiệp và Thương mại, sau đổi tên thành Bộ Công nghiệp và Lâm nghiệp, từ năm 1986-2006, ngành Năng lượng Lào thuộc quản lý của Bộ Công nghiệp và Thủ công nghiệp, sau đó có tên Bộ Năng lượng và Mỏ kể từ năm 2006 đến nay.
Theo Bộ trưởng Khammany Inthilath, lịch sử ngành năng lượng Lào thời kỳ trước năm 1975 gặp rất nhiều khó khăn, không nhận được sự chú trọng đầu tư đúng mực của nhà nước. Trong nhiều năm liền, Lào chỉ có duy nhất một công trình sản xuất năng lượng lớn là thủy điện Nậm Ngừm 1 với công suất khiêm tốn 30MW và 2 đập thủy điện nhỏ là đập Nậm Đông tại tỉnh Luangprabang và thủy điện Xê La Băm tại Champasak đều có công suất 1 MW. Các địa phương lớn của Lào thời điểm bấy giờ được trang bị một số các máy phát điện để phục vụ năng lượng cho sinh hoạt và sản xuất. Cả nước chỉ có 10% dân số, tức 19.000 hộ gia đình được tiếp cận với điện năng vào thời điểm đó.
Kể từ năm 1986, Lào mới bắt đầu chuyển hướng sang tăng cường phát triển ngành khai khoáng và sản xuất năng lượng. Bộ luật về điện lực năm 1997 đánh dấu thời kỳ Lào mở cửa kêu gọi các dòng đầu tư nước ngoài vào ngành năng lượng trong nước và cho phép khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực này (IPP). Động thái này đã đưa ngành năng lượng Lào phát triển ở nhịp độ nhanh đáng kể.
Đến năm 2005, Lào đã có 9 đập thủy điện với tổng công suất lắp đặt 679 MW, cho khả năng sản xuất 3.236 kWh điện/năm. Sau hơn một thập kỷ, hiện tại, Lào đã có 71 dự án năng lượng, đạt tổng công suất lắp đặt 9.531 MW, cho khả năng sản xuất 50.438 tỷ kWh điện/năm. Trong đó có 34 đập cỡ lớn, 35 đập cỡ nhỏ dưới 15MW, một nhà máy nhiệt điện than đá, đang triển khai 4 dự án năng lượng sinh khối và 6 dự án điện mặt trời.
Bên cạnh đó, Lào cũng đã phát triển được lưới điện tổng cộng 64.000 km và 71 trạm điều áp trên khắp cả nước, đạt tỷ lệ tiếp cận điện sinh hoạt 95% hộ gia đình và 92% bản, địa phương. Tỷ lệ điện dân sinh của Lào hiện chiếm 36.31%, điện công nghiệp chiếm 40.6%…
Khả năng xuất khẩu điện của Lào cũng có chiều hướng khởi sắc trong vài năm trở lại đây, hiện Lào đã có hợp đồng xuất khẩu điện tổng cộng 4.328 MW, dự kiến đến hết năm 2020 nước này sẽ bán được hơn 36 tỷ kWh điện, Bộ trưởng Khammany cho biết.
Bộ trưởng cũng cho biết, lịch sử ngành khai khoáng của Lào trước năm 1975 gần như không được thống kê, cũng như ngành năng lượng, lĩnh vực địa chất và khoáng sản của Lào không được sự quan tâm và đầu tư của nhà nước, thời điểm đó Lào chỉ ghi nhận hoạt động khai khoáng duy nhất tại mỏ chì Phontiew và một số hoạt động thăm do rải rác khác.
Sau 44 năm hình thành và phát triển, ngành khai khoáng Lào cũng đã đạt được những thành tựu khá đáng kể, được xem là một trong hai trụ cột công nghiệp lớn nhất của Lào ở thời điểm hiện tại cùng với ngành điện lực. Lào hiện có tổng cộng 570 điểm khai thác khoáng sản trên tổng diện tích 162.104km2, tương đương 68.46% tổng diện tích cả nước. Tài nguyên khoáng sản của Lào được đánh giá là rất giàu tiềm năng và phong phú về chủng loại như vàng, đồng, bạc, niken, chì, than đá, bô sít, đá vôi, sắt, đá quý, muối ăn, muối potas, nhôm, mangan, thạch cao, đá pagodyte, barit… và có 449 hoạt động khai thác bởi 275 đơn vị cả tư nhân, liên doanh và đầu tư nước ngoài bao gồm 27 đơn vị hoạt động 39 dự án thăm dò; 66 đơn vị hoạt động 115 dự án khảo sát; 54 đơn vị hoạt động 81 dự án khảo sát tính khả thi khai thác; 79 đơn vị tô nhượng khai thác 141 dự án; 35 đơn vị đang tiến hành lập luận chứng kinh tế-kỹ thuật của 38 dự án và 14 đơn vị đang trong giai đoạn tiền khai thác 35 dự án.
Các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn và nổi bật nhất của Lào có thể kể đến như dự án khai thác vàng-đồng Sepon; dự án Phoubia khai thác, chế biến và xuất khẩu vàng thành phẩm, bột đồng và đồng thành phẩm.
Tổng hợp