Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) vừa đưa ra nhận định tình trạng buôn bán ma túy tại Lào có thể gia tăng về số lượng trong thời gian tới.
Trong báo cáo được UNODC công bố mới đây có tựa đề ” Ma túy tại Đông và Đông Nam Á: sự phát triển và thách thức” đã cảnh báo rằng thị trường ma túy tại hai khu vực này đang tiếp tục mở rộng và ngày càng đa dạng hóa về chủng loại trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt là xuất phát từ điểm nóng của tình trạng buôn bán ma túy ở Đông Nam Á – vùng Tam giác Vàng, một khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới Lào, Thái Lan và Myanmar.
“Thật khó để tưởng tượng rằng các tổ chức tội phạm mở rộng trở lại thị trường ma túy, nhưng nó đã diễn ra”, Đại diện UNODC tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Jeremy Douglas phát biểu tại một cuộc họp ngắn diễn ra tại văn phòng của tổ chức này ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 1/5.
Theo thông tin từ UNODC, Lào đã thu được tổng cộng 141.9kg methamphetamine dạng tinh thể (ma túy đá) trong năm 2015, 150.1kg vào năm 2016, 124.5kg vào năm 2017 và lên đến 1.841.5 tấn vào năm 2018 và 5.106 tấn vào năm 2019.
Cơ quan thuộc Liên hợp quốc cho biết số ma túy bị Lào thu giữ đã tăng theo cấp số nhân trong vòng vài năm trở lại đây, năm 2019 cũng là thời điểm ghi nhận số lượng bị thu giữ ở mức kỷ lục, cao gấp 30 lần so với năm 2015.
Bên cạnh đó, số lượng methamphetamine dạng viên (ma túy tổng hợp) cũng ghi nhận số lượng bị thu giữ tăng theo từng năm, ở mức 6 triệu viên trong năm 2015 và 21 triệu viên trong năm 2018 vừa qua.
Tuy nhiên, bất chấp số lượng ma túy tổng hợp bị bắt giữ ngày càng nhiều, giá thị trường của mặt hàng này lại giảm xuống thấp kỷ lục, chỉ khoảng 1 USD/viên (9.000 LAK), cho thấy mức độ có sẵn “hàng” không hề có dấu hiệu suy giảm.
Cũng theo UNODC, Lào cũng là một trong các quốc gia trung chuyển nguyên liệu bào chế ma tuy hàng đầu trong khu vực khi thu giữ 13 tấn nghi ngờ là tiền chất methamphetamine vào năm ngoái, khi đang trên đường đưa đến Myanmar.
Bên cạnh đó, các phản ứng do sử dụng methamphetamine ở khu vực Đông và Đông Nam Á tăng liên tục trong thập kỷ qua, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới, theo UNODC. Đồng thời, khu vực này cũng đang chứng kiến sự gia tăng của opioid (thuốc giảm đau có thể gây nghiện) ở mức lo ngại.
Ma túy chính là một trong các vấn đề mang tính quốc gia tại Lào, Chính phủ Lào và ngành An ninh coi việc ngăn chặn ma túy là vấn đề cấp bách hàng đầu thông qua các chiến dịch trấn áp, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại ma túy đối với con người. Đồng thời, cải thiện công tác cai nghiện, phục hồi cuộc sống cho người nghiện ma túy và xây dựng khu dân cư sạch ma túy.
Tổng hợp