Việt Nam đã chuyển giao Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý KHCN và nhiều công nghệ trong nông nghiệp cho các viện nghiên cứu, doanh nghiệp của Lào.
Việt Nam – Lào thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 9/1962, ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác từ tháng 7/1977. Ở lĩnh vực khoa học và công nghệ, hai bên từng ký Hiệp định năm 1985, đến tháng 12 năm 2008 ký Hiệp định thay thế.
Theo Hiệp định, Ủy ban Hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt – Lào được thành lập và họp 2 năm một lần, luân phiên tại mỗi nước. Tại các khóa họp này, hai bên trao đổi các nội dung về đào tạo, nâng cao năng lực khoa học, công nghệ của Lào; tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giữa các địa phương.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có hàng trăm lượt cán bộ của Lào được đào tạo về các lĩnh vực: viễn thám cơ bản và xử lý ảnh viễn thám, công nghệ chế tạo pin mặt trời và pin nhiên liệu…
Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý khoa học và công nghệ của Lào từ nguồn vốn ODA của Việt Nam dành cho Lào được khởi công tháng 9/2015, nghiệm thu tháng 12/2017 theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Dự án có tổng mức đầu tư được Việt Nam phê duyệt là trên 98 tỷ đồng, trong đó kinh phí viện trợ không hoàn lại của Việt Nam là trên 89 tỷ đồng; kinh phí đối ứng của Lào gần 9 tỷ đồng.
Dự án hoàn thành phục vụ nghiên cứu, đào tạo cán bộ quản lý khoa học công nghệ của Lào, đáp ứng quy mô 600-800 lượt người mỗi năm; là nơi làm việc cho khoảng 70 cán bộ, nhà khoa học, giáo viên giảng dạy; góp phần đạt mục tiêu chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Lào…
Trong năm 2018, tại Diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam – Lào (Techconnect), đã có 142 công nghệ, giải pháp thiết bị được giới thiệu, có 11 thỏa thuận chuyển giao công nghệ được ký kết. Trong số này Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ dự án nghiên cứu và phát triển thí điểm lồng nhựa HDPE trong nuôi cá ở Lào.
Các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ phát triển đô thị thông minh; công nghệ tách chiết chế phẩm dược liệu từ tam thất và nghệ; ứng dụng vi sinh trong sản xuất phân bón hữu cơ; công nghệ khí canh trong sản xuất rau củ… cũng được Việt Nam chuyển giao cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp Lào.
Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển giao các công nghệ sản xuất Diesel sinh học; sản phẩm công nghệ vi sinh vật trong xử lý môi trường và ứng dụng phát triển nông nghiệp xanh (phân vi sinh, thức ăn chăn nuôi gia súc, thuốc bảo vệ nông nghiệp), và công nghệ thông tin – truyền thông phục vụ quản lý đô thị thông minh và dịch vụ vận tải thông minh EMMDI.
Cẩm nang song ngữ xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam-Lào cũng được Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng với các đối tác Lào biên soạn.
Tại Techconnect Việt Nam – Lào 2018 Tập đoàn công nghệ T-Tech đã tặng mô hình lò đốt rác cho Vụ Đổi mới Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ Lào). NETAFIM tặng mô hình tưới nhỏ giọt thông minh cho Viện Quản lý Khoa học và Công nghệ Lào. Viện Sinh học Nông nghiêp – Học viện Nông nghiệp Việt Nam tặng mô hình thủy canh cho Viện Nông lâm của Lào.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, các hoạt động kết nối mang lại hiệu quả qua chuyển giao công nghệ, phối hợp nghiên cứu của các nhà khoa học hai nước, hợp tác nghiên cứu-ứng dụng, sản xuất-kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Lào.
Theo VnExpress