Ly hương vẫn luôn là câu chuyện gắn chặt với hai chữ mưu sinh lắm nhọc nhằn, nhiều nỗi khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên trên hết, hình ảnh những người con xứ Thanh đang sinh sống, làm việc trên đất nước Triệu Voi còn là câu chuyện đẹp về tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước Việt – Lào.
Câu lạc bộ đồng hương Thanh Hóa tại thủ đô Viêng Chăn giới thiệu nét đẹp trong văn hóa ẩm thực xứ Thanh nhân dịp vui tết, đón xuân Tân Sửu – 2021 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào.
Trên những chặng đường mưu sinh
Phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) từ lâu được biết đến là địa phương có “truyền thống” với số lượng khá đông người dân sang sinh sống và làm việc tại Lào. Ông Lê Tiến Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường, cho biết: “Thiệu Khánh trước đây là một địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Do đó, người dân Thiệu Khánh phải chấp nhận đi tới nhiều vùng đất mới để tìm kiếm cơ hội việc làm, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình. Một số người dân địa phương sang sinh sống và làm việc tại nước bạn Lào thấy có nhiều điều kiện thuận lợi, có cơ hội phát triển nên đã động viên người thân trong gia đình, bà con trong làng, xã theo sang. Dần dần, theo thời gian, việc người dân sang Lào sinh sống và làm việc đã trở thành trào lưu, “truyền thống” tại địa phương”. Được biết, hiện nay, phường Thiệu Khánh có khoảng 800 lao động đang sinh sống và làm việc trên nước bạn Lào.
Theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của cán bộ địa phương, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Sỹ Hà (58 tuổi, phường Thiệu Khánh). Vì cuộc sống ở quê khó khăn, năm 2015, theo lời anh em, bạn bè động viên, ông Hà đã quyết định sang Lào tìm kiếm việc làm. Sinh sống và làm việc tại Văng Viêng, tỉnh Viêng Chăn, cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 160 km. Hằng ngày, ông Hà và những người lao động khác chỉ phải lo đi làm còn việc ăn uống, sinh hoạt sẽ đóng chi phí cho chủ vựa phế liệu lo liệu. Cảm giác nhớ nhà cùng những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ… luôn là trở ngại, rào cản lớn nhất của bất kỳ ai khi đặt chân đến nước ngoài.
Cũng như nhiều người dân Thiệu Khánh mưu sinh trên đất nước Lào, ông Hà làm nghề thu mua phế liệu. Công việc này không gò bó thời gian nhưng phải di chuyển suốt ngày nên cũng lắm nỗi vất vả, nhọc nhằn. Tuy nhiên, theo lời ông Hà, thu nhập từ nghề thu mua phế liệu trên đất nước Lào vẫn giúp ông đủ trang trải cuộc sống và gửi về cho gia đình. Có nhiều khi may mắn, gặp được “khách sộp”, công việc thu mua phế liệu cũng giúp ông Hà “lận lưng” vài triệu đồng/ngày. Vì vậy, dẫu công việc mưu sinh nơi xứ người vất vả, cực nhọc nhưng ông Hà và nhiều người lao động khác vẫn quyết tâm bám trụ, cố gắng làm lụng, chắt bóp để có đồng ra đồng vào gửi về quê nhà. Nhiều người sinh sống và làm việc ở Lào lâu năm, tích lũy được kinh nghiệm, vốn sống, tài chính cùng với sự nhanh nhạy, nhiều mối quan hệ thì họ xoay sở mua đất, làm nhà, mở vựa thu mua phế liệu và xây một số phòng trọ cho lao động thuê ở. Hoặc không đủ điều kiện mua đất, xây nhà, một số người Việt thuê nhà của người bản địa rồi mở vựa kinh doanh, buôn bán. Ông Hà cho biết: “Thời điểm đó, chỉ tính riêng Thiệu Khánh đã có khoảng 20 người cùng sinh sống và làm việc tại Văng Viêng, chủ yếu đều làm nghề thu mua phế liệu”.
Nỗ lực phấn đấu, vươn lên của một người trẻ
Sinh ra và lớn lên ở xã Hải Lộc – mảnh đất nghèo ven biển Hậu Lộc, chị Dương Vân Anh đặt chân đến thủ đô Viêng Chăn, Lào từ năm 2004, khi mới vừa tròn 16 tuổi. Ban đầu, chị theo chân chị gái và anh rể sang Lào với ý nghĩ “sang cho biết”, cho thỏa cái tò mò, háo hức về một vùng đất mới. Tuy nhiên, cuộc sống mưu sinh và quyết tâm lập nghiệp nơi đất khách đã níu chân chị ở lại, gắn bó với đất nước Lào. Suốt 18 năm qua, chị Vân Anh từng bước nếm trải nhiều nỗi nhọc nhằn, vất vả. Chị không thể nào quên cảm xúc khi trở về quê ăn tết cùng gia đình sau hai năm lăn lộn mưu sinh trên đất Lào. Chị xúc động nói: “Khi xe về đến đất Việt Nam mình đã khóc. Khóc vì thấy quê hương. Khóc vì nhìn thấy chữ Việt, thấy những biển hiệu là tiếng Việt thân thương, gần gũi vô cùng”.
Trải qua nhiều nỗi khốn khó, sau biết bao nỗ lực, cố gắng, giờ đây, chị Vân Anh đã có mái ấm nhỏ hạnh phúc. Chồng chị cũng là người Việt, quê ở Quảng Ninh. Vợ chồng trẻ lấy nhau, cuộc sống cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, bươn chải qua nhiều công việc khác nhau. Năm 2016, sau khi bàn bạc, thống nhất, hai vợ chồng chuyển hướng làm ăn. Với hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ sau 18 năm sinh sống, làm việc trên đất Lào, hai vợ chồng đã từng có thời gian học tập tại Đại học Quốc gia Lào nên quyết định mang hết “vốn liếng” ấy mở trung tâm dạy tiếng và dịch thuật tại nhà – Trung tâm ngoại ngữ Kham Seng, bản Thạt Luổng Tạy, thủ đô Viêng Chăn. Trung tâm mở lớp dạy tiếng Lào – Việt – Anh – Trung cho người lớn, trẻ nhỏ trên 5 tuổi và dịch thuật. Hiện trung tâm có khoảng 10 giáo viên, chủ yếu là người Việt và người Lào. Các giáo viên giảng dạy tại trung tâm phải đáp ứng tiêu chí: Nếu là người Việt thì phải có bằng tốt nghiệp tại các trường đại học của nước Lào và ngược lại. Mỗi ngày, trung bình trung tâm có từ 6 – 10 lớp hoạt động với số lượng học viên tối đa là 15 người/lớp. Thu nhập của giáo viên dao động từ 2 – 10 triệu đồng/tháng, tùy vào năng lực và số buổi dạy học trên lớp.
Không chỉ nỗ lực cố gắng xây dựng, phát triển kinh tế, không ngừng cải thiện cuộc sống, với tất cả tình yêu thương, luôn trân trọng, hướng về quê hương, chị Vân Anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các tổ chức đoàn hội của người Việt nói chung, người Thanh Hóa nói riêng. Chị hiện là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) đồng hương Thanh Hóa tại thủ đô Viêng Chăn. Được thành lập vào tháng 9-2020, CLB chỉ có 10 thành viên vốn là các anh, chị em quen biết lâu năm, thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống tại đất nước Lào. Đến nay, CLB đã phát triển lên 50 thành viên và dự kiến số lượng thành viên sẽ tiếp tục tăng lên vào thời gian tới.
CLB đồng hương Thanh Hóa tại thủ đô Viêng Chăn là nhóm sinh hoạt tự nguyện, được thành lập với mong muốn trở thành cầu nối và là nơi gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, động viên, giúp đỡ nhau của những người cùng quê hương Thanh Hóa đang sinh sống, làm việc, công tác và học tập tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Thông qua các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, CLB tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và nét đẹp của con người, văn hóa xứ Thanh tại thủ đô Viêng Chăn, từ đó tạo chỗ đứng uy tín cho cộng đồng người Thanh Hóa tại Lào. Đồng thời, CLB tạo nên diễn đàn cung cấp, chia sẻ các thông tin chính thống, hữu ích, trở thành cầu nối tin cậy giữa thành viên với địa phương sở tại, giữa thành viên với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Lào và với quê hương Thanh Hóa.
Sống bên nhau trong tình hữu nghị, đoàn kết
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ trước tới nay, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào là sự kết tinh và hội tụ phẩm chất cách mạng trong sáng, trách nhiệm cao cả và tình cảm sắt son, nồng thắm mà cả hai dân tộc Việt Nam – Lào đã dành cho nhau, gắn bó bền chặt với nhau.
Trong bối cảnh chung ấy, Thanh Hóa được xem là một trong các tỉnh hiện có nhiều người sinh sống và làm việc tại Lào tập trung ở thủ đô Viêng Chăn và các nơi như: Văng Viêng, Lak Sao, Attapeu… Có những gia đình người Việt đã trải qua nhiều đời sinh sống và làm việc tại đây. Vì vậy, đối với họ, Lào đã trở thành quê hương thứ hai. Họ đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và phát triển đất nước Lào. Trong quá trình sinh sống và làm việc, người Việt trên đất nước Lào đã tạo nên cộng đồng lớn mạnh, đoàn kết với các hoạt động kinh tế và những nét văn hóa đặc trưng.
Khi được hỏi về mối quan hệ với người dân bản địa, ông Hà, chị Vân Anh và nhiều người Thanh Hóa khác đang sinh sống, làm việc tại Lào đều vui vẻ chia sẻ: Sự giao lưu giữa người Việt và người Lào rất gần gũi, thân thiết, cởi mở, hòa đồng với nhau. Người dân Lào rất quý mến và tôn trọng đất nước, con người Việt Nam. Chính phủ Lào và chính quyền các địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện cho người Việt Nam sinh sống, làm việc. Ông Hà kể lại: “Vào các dịp lễ, tết hoặc gia đình có đám cưới, đám tang, người Lào cũng đon đả, nhiệt tình mời chúng tôi tham dự. Và ngược lại, chúng tôi cũng thường tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ có sự tham gia của người Lào”. Ông Hà cho biết thêm: “Người dân Lào rất hòa nhã trong cách ứng xử vì vậy ít khi xảy ra mâu thuẫn trong cộng đồng. Nhiều phong tục, tập quán của người Lào có nét gần gũi, tương đồng với đồng bào Thái của Việt Nam”.
Đáp lại tình cảm yêu mến, nhằm vun đắp, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Lào, cộng đồng người Việt nói chung, người Thanh Hóa nói riêng hiện đang sinh sống và làm việc tại Lào luôn ý thức được trách nhiệm của mình. Một mặt, họ chăm lo, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống; mặt khác, họ luôn động viên, khích lệ, bảo ban nhau sống và làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ gìn và lan tỏa hình ảnh đẹp về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Chị Phạm Thị Quyết, quê quán ở phường Thiệu Khánh, hiện đang sinh sống và làm việc tại bản Nonghai, quận Hadxaifong, thủ đô Viêng Chăn, Lào cho biết: “Tình hình dịch COVID-19 diễn biến ở Lào tương đối phức tạp. Các gia đình người Việt nơi chị Quyết sinh sống đã nghiêm túc thực hiện chế độ “cách ly xã hội”, tạm dừng các hoạt động buôn bán, tụ tập đông người, ai ở nhà nào ở yên nhà đó”. Mọi người đều tâm niệm rằng: “Tiền bạc tuy quan trọng nhưng an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. Chúng tôi nêu cao tinh thần, ý thức tự giác, tuân thủ quy định, chung tay cùng Chính phủ Lào trong trận chiến phòng chống dịch COVID-19” – chị Quyết chân thành chia sẻ.
Cuộc sống ly hương, mưu sinh nơi đất khách, quê người chưa bao giờ là lựa chọn dễ dàng. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt nói chung, người Thanh Hóa nói riêng đang sinh sống và làm việc trên đất nước Lào vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ là “cầu nối” thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Và hơn hết, sâu thẳm trong trái tim mỗi người con xa quê vẫn luôn dành tình cảm yêu thương, gắn bó với nơi mình “chôn nhau cắt rốn” và có những việc làm thiết thực, ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của quê hương, đất nước.
Theo Bao Thanhhoa