Các biện pháp kiểm soát tỷ giá hối đoái đang mang đến tác động hai mặt cho nền kinh tế Lào trong bối cảnh đồng tiền nội tệ vẫn đang trượt giá so với hai ngoại tệ chính là USD và bath Thái Lan.
Thanh khoản yếu trên thị trường giao dịch chính thức đang tiếp tục nới rộng khoảng cách cung cầu và chênh lệch tỷ giá hối đoái với thị trường tự do, khi nguồn dự trữ ngoại tệ của Lào đang ngày càng xuống thấp.
Chuyên gia kinh tế của ADB tại Lào Rattanatay Luanglathbandith mới đây cho biết, điểm tích cực trong hành động kiểm soát thị trường tiền tệ là cho khả năng kiềm chế lạm phát ở mức trong phép và khơi gợi sự tự tin của nhà đầu tư.
Do Lào là quốc gia nhập siêu, biến động của tỷ giá hối đoái tác động trực tiếp lên giá hàng hóa trên thị trường địa phương, cũng như nền kinh tế và đời sống con người.
Các mặt hàng Lào phải nhập khẩu số lượng lớn gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị điện tử, đây đều là các mặt hàng thiết yếu và giá trị đồng Kip giảm sút sẽ đẩy giá cả lên cao hơn.
Ngoài ra, đồng Kip suy yếu cũng ảnh hưởng lớn đến khẳ năng trả nợ nước ngoài của Lào, trong đó chủ yếu lại là USD và Bath Thái Lan, khi nước này buộc phải mua thêm ngoại tệ nói trên để thanh toán các khoản nợ đã vay.
Giới quan sát nhận định tình hình thị trường tiền tệ của Lào khác biệt so với quốc gia khác khi lượng lớn người Lào sở hữu nhiều ngoại tệ nhưng lại không thực hiện giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng. Dòng ngoại tệ giao dịch ở thị trường ngoài là rất lớn, trái ngược với tình trạng ảm đạm của hệ thống chính thức.
Mặt trái của việc cố gắng kiểm soát tỷ giá hối đoái là khiến đồng Kip mạnh hơn giá trị thực của nó, ông Rattanatay nhận định, điều này sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu.
Việc cung cấp ngoại tệ ra thị trường trong nỗ lực kiểm soát tỷ giá cũng sẽ khiến dự trữ của Ngân hàng Trung ương cạn kiệt.
Trước vấn đề này, việc thả nổi tỷ giá sẽ có thể là giải pháp tích cực, giúp thu hẹp khoảng cách giữa thị trường chính thức và thị trường tự do, dựa trên khả năng tự điều tiết cung-cầu vốn có.
Theo báo cáo chính thức gần đây của Chính phủ Lào được công bố hồi tháng 6, tỷ giá hối đoái chính thức giữa Kip và USD giảm 3.8% trong 5 tháng đầu năm.
Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Lào (NIER) cũng cho biết đồng tiền nội đã giảm 8% trong tháng 7, trong khi tỷ giá Kip/Bath chính thức chỉ giảm 1%.
Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường tự do cũng ghi nhận mức giảm 9% vào tháng 4, so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà kinh tế lo ngại đà giảm giá nói trên tiếp tục kéo dài sẽ gây áp lực lên lạm phát, nợ nước ngoài và gánh nặng tài chính cho chính phủ Lào.
Trong bối cảnh ngân hàng thương mại bị giới hạn thu đổi ngoại tệ, doanh nghiệp trong nước đã chuyển sang thị trường tự do để tìm kiếm ngoại tệ cho việc nhập khẩu hàng hóa, điều này nghĩa là tỷ giá cao sẽ đẩy giá hàng hóa lên theo, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ chi tiêu của người dân.
Chi phí sinh hoạt gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng, du lịch mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, theo các nhân định.
Ngoài ra, có một số dấu hiệu rõ ràng tại Lào về tình trạng gia tăng tích trữ ngoại tệ, kỳ hạn gửi tiền cũng được nâng cao để phòng ngừa đà trượt giá tiếp của đồng Kip.
Tỷ giá hối đoái được BCEL niêm yết ngày 20/8 cho biết giá trị mua vào-bán ra của USD so với Kip lần lượt là 9.083 và 9.103, trong khi tỷ giá đối với đồng Bath là 316.69 và 319.08 Kip, theo thứ tự.
Cùng kỳ năm ngoái, tỷ giá USD và Kip lần lượt là 8.707-8.724 và Bath-Kip là 286.4-288.5.
Tổng hợp