Ngày 30/9, cơ quan Quốc hội Lào đã tổ chức Lễ khánh thành chính thức Phòng Truyền thống Quốc hội. Tham dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, các nguyên Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch/phó Chủ tịch các Ủy ban Quốc hội và nhiều đại biểu liên quan khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane cho biết: Kể từ năm 1975, tình hình trong nước, khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi; Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đứng ra lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Lào nổi dậy giành chính quyền trong cả nước và tiến hành tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh/thủ đô vào ngày 20 – 22/11/1975 và trở thành phong trào nổi bật giúp giải phóng hoàn toàn đất nước, thành lập lên nước CHDCND Lào ngày 2/12/1975. Căn cứ kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân và bầu Chính quyền cách mạng 3 cấp, Đại hội Đại biểu Toàn quốc đã được tổ chức từ ngày 1 – 2/12/1975 với 264 đại biểu đại diện cho nhân dân các Bộ tộc và các tầng lớp xã hội đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có Nghị quyết chính thức thành lập Hội đồng Nhân dân tối cao khóa I để thực hiện vai trò và nhiệm vụ trong việc tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, phục hồi kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân các Bộ tộc ngày một tốt hơn, đồng thời là cơ quan lập pháp nghiên cứu dự thảo hiến pháp và luật pháp của đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu triển khai đường lối đổi mới toàn diện có nguyên tắc của Đảng, Hội đồng Nhân dân tối cao khóa II được nhân dân các Bộ tộc bầu ra vào ngày 26/3/198, thực hiện vai trò chính là xây dựng dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước CHDCND Lào, Hiến pháp đầu tiên này được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 6 của Hội đồng Nhân dân Tối cao khóa II và ban hành theo Sắc lệnh số 55/CTN của Chủ tịch nước ngày 18/8/1991. Hiến pháp của nước CHDCND Lào năm 1991 là Hiến pháp đầu tiên của chế độ dân chủ nhân dân và trở thành căn cứ luật pháp cơ bản của Lào và là căn cứ quan trọng trong việc quản lý đất nước, điều hành kinh tế, xã hội và hội nhập khu vực, quốc tế bằng luật pháp. Từ Hội đồng Nhân dân tối cao khóa I đến Quốc hội khóa IX, căn cứ theo Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội Lào đã tổ chức và hoạt động theo vai trò, quyền hạn và nhiệm vụ của mình trong từng giai đoạn, là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích của người dân các Bộ tộc Lào, là cơ quan Nhà nước quyền lực cao nhất, là cơ quan lập pháp thực hiện vai trò thông qua Hiến pháp và pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng cơ bản của đất nước, thực hiện công tác giám sát kiểm tra việc tôn trọng và thực hiện Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Trong suốt 49 năm qua, Quốc hội đã tích cực hoàn thiện, từng bước lớn mạnh, chủ động trong thực hiện vai trò, quyền hạn và nhiệm vụ của mình theo Hiến pháp và pháp luật quy định, như triển khai đường lối, kế hoạch chính sách và các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật và các văn bản pháp lý dưới luật, cũng như triển khai thành kế hoạch chiến lược trong việc xây dựng đất nước, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước.
Vì tầm quan trọng của tổ chức và hoạt động của Quốc hội và là di sản để lại cho thế hệ sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Ban Chuyên trách chỉ đạo soạn thảo nội dung, lựa chọn tài liệu, hiện vật và trưng bày tại Phòng Truyền thống Quốc hội. Tuy nhiên, việc lựa chọn và thu thập hiện vật khá khó khăn do mất nhiều thời gian di chuyển, sự hạn chế về không gian lưu trữ đã khiến một số hiện vật bị hư hỏng và làm thay đổi hiện trạng ban đầu. Mặc dù vậy, Ban Chuyên trách đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tập trung soạn thảo nội dung, lựa chọn hiện vật và bày biện triển lãm tại Phòng Truyền thống Quốc hội. Ông cho biết thêm, mục đích thành lập “Phòng Truyền thống Quốc hội” nhằm sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu, phân tích và trưng bày các hiện vật liên quan đến truyền thống cách mạng, lịch sử các phong trào và các hiện vật khác nhau của các lãnh tụ cách mạng, các thành viên Hội đồng Nhân dân tối cao, các đại biểu Quốc hội và công chức Quốc hội nhằm cung cấp những thông tin quan trọng để học sinh, sinh viên và xã hội tìm hiểu lịch sử của cơ quan lập pháp nước CHDCND Lào. Việc làm này nhằm nâng cao nhận thức cho người dân Lào các Bộ tộc có lòng yêu nước, yêu quý di sản tốt đẹp của dân tộc Lào, góp phần bảo vệ và phát triển dân tộc ngày càng vững mạnh. Việc thành lập Phòng Truyền thống Quốc hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, phục hồi, bảo vệ và giám sát những hiện vật gốc, có giá trị cao là di sản để lại cho thế hệ mai sau; nội dung của Phòng Truyền thống Quốc hội được chia làm 4 phần: Phần 1: Đấu tranh giải phóng dân tộc; Phần 2: Hoạt động của Quốc hội khóa I đến khóa VIII; Phần 3: Hoạt động của Quốc hội khóa IX; Phần 4: Hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Tổng hợp