Sinh viên Lào có xu hướng lựa chọn những ngành học liên quan đến tài chính-ngân hàng thay vì các ngành mà nước này đang cần nhân lực, đặc biệt là nông nghiệp.
Theo thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, thực trạng lượng lớn học sinh nước này sau khi tốt nghiệp bậc phổ thông đều lựa chọn các ngành học liên quan đến lĩnh vực thương mại, tài chính với hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ được làm việc tại các cơ quan nhà nước khiến số lượng công chức hiện tại đã dư thừa quá mức và Chính phủ cần có biện pháp tinh gọn bớt.
Việc lựa chọn ngành học cần cần nhắc kỹ trước nhu cầu nhận lực của quốc gia, cụ thể là Lào vẫn đang xem ngành Nông nghiệp là trụ cột, việc theo học chuyên ngành nông nghiệp là lựa chọn hợp lý, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Lào đang phát triển, nhu cầu lực lượng lao động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng là rất lớn, trong đó bao gồm thợ cơ khí, xây dựng, gò hàn… nhưng hầu như thế hệ trẻ nước này không quan tâm đến lĩnh vực “nặng nhọc và ít hào nhoáng này”.
Bộ Giáo dục và Thể thao cần thay đổi xu hướng lựa chọn sai lầm trong ngành học không phù hợp với tình hình thực tế của đất nước thông qua các biện pháp hiệu quả hơn, việc này giúp sinh viên dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Lào ban hành năm 2018 đã yêu cầu hợp nhất và tinh gọn các cơ quan nhà nước đang để xảy ra hiện tượng chồng chéo về chức năng, đồng thời rút gọn số lượng cán bộ dư thừa để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách quốc gia trong bối cảnh Lào đang có đến 184.000 công chức, bằng 2.8% dân số, tỷ lệ quá lớn so với các nước trong khu vực. Năm 2019, Chỉnh phủ Lào chỉ phê duyệt hạn ngạch 1.500 công chức mới, giảm 50% so với năm ngoái. Tuy nhiên, trái ngược với sự dư thừa công chức nhà nước, khu vực lao động lại đang khát nguồn nhân lực bởi số lượng hạn chế về cả chất và lượng. Đơn cử dự án đường sắt Lào-Trung Quốc trị giá 5.9 tỷ USD, các nhà thầu Trung Quốc đã sử dụng ít nhất 30.000 lao động tay nghề của nước mình và chỉ có khoảng 3.000 lao động Lào được lựa chọn chủ yếu để thực hiện các hạng mục phụ.
Tổng hợp