Thủ đô Vientiane vẫn đang đối mặt với tình trạng vứt rác và đốt rác bừa bãi, đặt ra bài toán khó giải quyết về khả năng quản lý chất thải rắn đô thị.
Thủ đô Vientiane mỗi ngày phát sinh từ 500-600 tấn rác thải dân sinh, chợ, nhà máy, công sở… nhưng khả năng thu gom và xử lý thực tế của khu xử lý rác thải Km 32 chỉ đạt 300-350 tấn/ngày, phần còn lại chủ yếu do người dân tự tiêu hủy hoặc vứt bừa bãi ở những khu vực công cộng.
Thông tin từ Văn phòng quản lý và dịch vụ thủ đô Vientiane (VCOMS) mới đây cho biết rác thải hộ gia đình nằm trong diện quản lý được chỉ chiếm 27%, trong khi phần còn lại không sử dụng dịch vụ thu gom rác thải đô thị và lựa chọn việc vứt bừa bãi hoặc đốt bỏ, gây ra thách thức to lớn cho môi trường.
Trong khi đó, thủ đô Vientiane cũng chưa có hệ thống xử lý và phân loại rác thải, đặc biệt là rác thải hữu cơ và nhựa, theo Vientiane Times. Việc không có sự phân loại từ đầu, tất cả các loại rác thải đều được xử lỷ cùng nhau, gây ra sự lãng phí trong việc tái chế và khai thác lợi ích từ rác thải, đồng thời giảm thiểu áp lực đến môi trường tự nhiên.
Theo tầm nhìn và chiến lược quản lý chất thải rắn bền vững trên cơ sở 3Rs (tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu) để đưa Vientiane thành đô thị “xanh, sạch và đáng sống” vào năm 2030 với hệ thống thu gom và xử lý rác thải hiện đại, thành phố Vientiane, cụ thể là VCOMS đang nỗ lực ban hành các cơ chế pháp lý để quản lý và xử lý vấn đề rác thải triệt để, tập trung các nguồn lực nội tại và hỗ trợ bên ngoài để phát triển hệ thống quản lý hiện đại, đem lại lợi ích thiết thực, cho phép toàn bộ người dân trên địa bàn tiếp cận với dịch vụ xử lý rác thải toàn diện và chi phí thấp. Đồng thời, Vientiane cũng có kế hoạch thiết lập các điểm thu gom, phân loại và xử lý rác thải phi tập trung tại các địa điểm công cộng nhằm sản xuất nguồn phân bón, khí sinh học có ích.
Theo thông tin từ VCOMS, toàn thành phố Vientiane hiện có 129 phương tiện thu gom rác thải các loại.
Hoạt động đốt rác và nương rẫy bừa bãi là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra ô nhiễm không khí tại Vientiane, tiếp đó là sự phổ biến của khói bếp gia đình, thuốc lá, các khảo sát cho thấy tỷ lệ phơi nhiễm ô nhiễm không khí tạo ra rủi ro đáng kể đối với sức khỏe của người sống tại đô thị lớn nhất của Lào này, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh lao thêm 47% và tối đa 188% tỷ lệ mắc các bệnh khác liên quan đến đường hô hấp.
Tổng hợp