Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) lần thứ 10 với chủ đề “Hướng tới kết nối thông suốt vì một tiểu vùng Mê Kông hội nhập” đã diễn ra vào ngày 7/11/2024 tại Côn Minh, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone.
Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mekong) là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của hợp tác ACMECS trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của người dân tại tiểu vùng Mekong. ACMECS cũng góp phần quan trọng vào thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy kết nối trong ASEAN, và thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những bước tiến quan trọng trong triển khai Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019-2023, đặc biệt là về hợp tác thương mại-đầu tư, du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, và phát triển nguồn nhân lực. Các nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao những kết quả tích cực trong hợp tác giữa ACMECS với các đối tác phát triển, việc thành lập Quỹ Phát triển ACMECS và Ban Thư ký lâm thời, xây dựng logo và trang web chính thức của hợp tác.
Các nhà lãnh đạo nhận định những biến động phức tạp, khó lường trên thế giới đang đặt tiểu vùng Mekong nói chung và hợp tác ACMECS nói riêng trước những thách thức đa chiều về bất ổn kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, thiên tai. Để ứng phó hiệu quả với các thách thức và nắm bắt cơ hội mới, các nhà lãnh đạo thống nhất kiên trì thúc đẩy phát triển cân bằng, bao trùm và bền vững, tăng cường hợp tác với các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong khác, cùng xây dựng Cộng đồng ACMECS “Đoàn kết, sức mạnh và bền vững”. ACMECS sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kết nối giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại nhằm đưa tiểu vùng Mekong trở thành trung tâm hậu cần khu vực; đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Nội dung hợp tác nguồn nước Mekong được nêu đậm tại hội nghị lần này. Lãnh đạo 5 nước nhất trí tăng cường hợp tác quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, nhất là phối hợp với Ủy hội sông Mekong quốc tế; chia sẻ dữ liệu thuỷ văn; xây dựng hệ thcảnh báo sớm thiên tai. Hội nghị đã thông qua Tài liệu khái niệm về quản lý nguồn nước tại tiểu vùng Mekong với mục tiêu tăng cường phối hợp chiến lược giữa các thành viên trong ứng phó với các thách thức ngắn và dài hạn.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Vientiane và chứng kiến chuyển giao vai trò Chủ tịch ACMECS giữa Lào và Myanmar.
Sau Hội nghị ACMECS, Thủ tướng Sonexay Siphandone tiếp tục tham dự Hội nghị Cấp cao khung hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 11, được chủ trì bởi Thủ tướng Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, với khẩu hiệu “Thúc đẩy tình hữu nghị và đoàn kết vì một cộng đồng tự cường và thịnh vượng”. Tại hội nghị này, các đại biểu đánh giá tiến độ hợp tác đã đạt được và thảo luận phương hướng hợp tác trong tương lai, đặc biệt là việc khuyến khích và hỗ trợ các đối tác phát triển trong khuôn khổ hợp tác CLMV. Cuộc họp đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh CLMV lần thứ 11 và chuyển giao quyền chủ trì Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 12 cho Việt Nam.
Trong thời gian ở Côn Minh, Thủ tướng Sonexay Siphandone cũng có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Myanmar và Thủ tướng Việt Nam, đồng thời tiếp đón Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á cùng lãnh đạo cấp cao tỉnh Vân Nam, nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Tổng hợp