Ngày 12-7, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức buổi tọa đàm với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào, nhằm cung cấp thông tin, bàn bạc một số biện pháp để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục kinh doanh hiệu quả tại Lào, trong tình hình nền kinh tế Lào đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Tham dự có đại diện gần 50 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào, đại diện các cơ quan Việt Nam bên cạnh Đại sứ quán. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHDCND Lào Nguyễn Bá Hùng tham dự và chủ trì buổi tọa đàm.
Tại cuộc tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhận định do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như mức tăng trưởng chậm của các nước đối tác kinh tế lớn của Lào, nền kinh tế Lào đang có xu hướng tăng trưởng chậm với việc lạm phát tăng, nợ công có xu hướng tăng, dự trữ ngoại hối thấp.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho rằng, Chính phủ Lào sau khi thành công bước đầu trong việc khống chế dịch bệnh Covid-19 đã triển khai hàng loạt các biện pháp để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và sản xuất để hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Lào. Tuy nhiên nhìn chung, hợp tác giữa hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa với sự cố gắng của cả hai bên.
Hiện nay, Lào đang hướng tới việc cải cách và sắp xếp lại nền kinh tế, đặc biệt là việc sửa đổi lại một số luật liên quan khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, luật doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng. Lào đang dần hình thành các trục kinh tế theo hành lang bắc-nam và đông-tây, một số dự án lớn tại Lào sắp hoàn thành như thủy điện, dự án đường sắt Lào – Trung Quốc, một số dự án lớn về cơ sở hạ tầng hợp tác giữa Lào với Việt Nam đang dần hình thành và trước mắt, giao thông đường hàng không giữa hai nước có thể sớm mở lại. Đây là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu để có thể chủ động tìm được hướng phát triển phù hợp và thích ứng với tình hình mới.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hỗ trợ, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (Viet-Lao BACI). Hội cũng như các thành viên trong hội cần thay đổi tư duy quản lý để có thể tiếp tục theo kịp sự phát triển của xã hội và thị trường.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng đại diện BIDV tại Lào, Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietBank) khẳng định, trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (BOL) đã cho phép triển khai một loạt chính sách nhằm đối phó ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các chính sách liên quan thanh toán điện tử.
BOL lần đầu tiên đã thành lập một Vụ chuyên trách về thanh toán; đã cho thành lập công ty kết nối thanh toán LAPNET cho phép kết nối thanh toán điện tử liên thông các tổ chức tín dụng làm cho hệ thống thanh toán được thông suốt dễ dàng hơn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được triển khai cho thanh toán bằng ngoại tệ, thay vì chỉ thực hiện đối với đồng kíp Lào như trước đây. BOL đã cho thí điểm thanh toán qua mạng viễn thông Unitel với pháp nhân là Umoney và đã có kế hoạch triển khai chính thức dịch vụ ví điện tử cho nhiều đơn vị. Điều này vừa giúp hoàn thiện hệ thống thanh toán góp phần triển khai chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt nhưng đồng thời tạo ra thách thức cạnh tranh khốc liệt đối với các ngân hàng.
Trong những năm gần đây hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Lào đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức xuất phát từ những khó khăn nội tại của kinh tế vĩ mô, cùng với ảnh hưởng từ dịch Covid 19. Trước những khó khăn này, tốc độ tăng trưởng của hệ thống không còn mạnh mẽ như các năm trước. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, BOL đã ban hành các chính sách liên quan đến tài chính ngân hàng như cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu các khoản nợ cho đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng từ dịch Covid 19; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng kíp Lào từ 5% xuống 4% và ngoại tệ từ 10% xuống 8% cho các ngân hàng thương mại để tăng nguồn vốn cung cấp tín dụng kích thích nền kinh tế.
Về ảnh hưởng của dịch Co vid-19 đối với người lao động Việt Nam, ông Dương Đình Bảng, Trưởng Văn phòng đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Lào khẳng định, qua đợt khảo sát thực tế tại các tỉnh miền Trung và miền Nam Lào đầu tháng 7 vừa qua cho thấy, lãnh đạo các tỉnh này đều đánh giá cao các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam do nghiêm túc trong việc phòng chống dịch Covid, chủ động trong việc tổ chức sản xuất cho phù hợp với tình hình, nhất là việc chăm lo chính sách cho người lao động, tạo mọi điều kiện cho người lao động làm việc bình thường: như việc cung cấp trang thiết bị phòng chống bệnh dịch, thực hiện quy trình tiếp xúc, khoảng cách cách ly… theo đúng quy định hướng dẫn của Ban chuyên trách quốc gia giải quyết và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Lào. Nhiều dự án đã góp phần đổi mới diện mạo xã hội của địa phương qua việc phát triển cơ sở hạ tầng đường – trường – trạm, tăng thu ngân sách, tạo nhiều công ăn việc làm và cải thiện nâng cao đời sống cho người dân Lào.
Một số dự án bị hạn chế hoạt động như dự án Thủy điện Sekaman 3, Công ty cà-phê Minh Tiến, do thiếu thiết bị kỹ thuật và kỹ sư không sang được… Còn lại đa số các dự án đầu tư của Việt nam tại miền trung và miền nam Lào được tổ chức hoạt động gần như bình thường, tuy nhiên chi phí bị đẩy cao lên.
Tại Tọa đàm, một số doanh nghiệp Việt Nam quan tâm vấn đề tỷ giá đồng kíp Lào và USD có mức chênh lệch cao trong thanh toán giữa thực tế thị trường với tỷ giá của Nhà nước; thực tế cạnh tranh của các doanh nghiệp nước khác với doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào với các doanh nghiệp tại Lào; một số vướng mắc trong việc thực hiện dự án, cũng như việc đầu tư theo quy định nhưng không thực hiện được trong thực tế do những nguyên nhân chủ quan của các cấp quản lý Nhà nước của Lào… đã được các đại biểu bàn bạc sôi nổi, nhiều vấn đề đã tìm được hướng khắc phục, giải quyết.
Một số vấn đề liên quan chính sách vĩ mô hoặc những vấn đề cần làm rõ trong thời gian tới, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đề nghị các phòng chức năng của Đại sứ quán, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tập hợp ý kiến đề xuất để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Lào với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào, dự kiến sẽ tổ chức trong thời gian tới. Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cũng khẳng định, Chính phủ Lào luôn đặt lòng tin vào các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào do lãnh đạo và nhân dân các dân tộc Lào luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và đặc biệt với Việt Nam, nhất là các dự án này đều cùng chung mục tiêu, vì lợi ích của người dân, vì sự ổn định về an ninh, trật tự, an toàn xã hội của cả hai nước Việt Nam và Lào.
Theo Nhân dân điện tử