Ngày 22-11, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào. Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, các Tổng Lãnh sự Việt Nam tại ba khu vực bắc, trung, nam Lào, đại diện gần 100 tập đoàn, công ty Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết, Việt Nam và Lào đã sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19. Kinh tế Lào có tốc độ tăng trưởng tương đương với Việt Nam, nhiều nước phát triển đang muốn đầu tư vào Lào. Mới đây nhất Lào đã tham gia ký kết Hiệp định RCEP, mặc dù còn một số vấn đề chưa sẵn sàng nhưng việc Lào chủ động tham gia sân chơi mới và cố gắng khai thác những lợi thế khi tham gia Hiệp định này thể hiện quyết tâm cao trong hội nhập của Lào, đồng thời, khi tham gia vào Hiệp định RCEP đòi hỏi Lào sẽ phải sửa đổi, cải cách nhiều để đáp ứng yêu cầu mới.
Đại diện gần 100 tập đoàn, công ty Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào tham dự hội nghị, ngày 22-11.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết thêm, gần đây tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào có dấu hiệu chững lại, một số doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào Lào chưa có hiệu quả, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Theo đánh giá, việc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào chưa tương xứng với quan hệ chính trị giữa hai nước.
Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào sẽ phối hợp với các ngành liên quan của Lào quyết tâm tiếp tục kêu gọi các tập đoàn lớn của Việt Nam sang đầu tư tại Lào nhất là về lĩnh vực nông nghiệp giống như hiện nay, dự án của Vinamilk liên doanh với Nhật Bản và Lào, đã đầu tư tại Lào với số vốn 500 triệu USD. Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên việc hai nước có thể chưa mở lại ngay các cửa khẩu, việc xuất nhập cảnh sẽ vẫn bị cách ly, vì vậy các doanh nghiệp cần phải chủ động thích ứng, lựa chọn, tính toán các hình thức kinh doanh phù hợp; các doanh nghiệp Việt Nam phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cũng cho biết, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp một số nước, đặc biệt khi các Chính phủ đó có chính sách đầu tư mạnh vào Lào trong lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, viễn thông; đồng thời Lào đang dần hiện hữu việc kết nối khu vực thông qua việc sẽ khánh thành đưa vào sử dụng các tuyến đường mới như đường sắt Lào – Trung Quốc, đường cao tốc Vientiane – Vangvieng, đồng thời thúc đẩy hàng loạt dự án theo hành lang Đông – Tây, các tuyến đường bộ theo trục Bắc – Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, kinh doanh nhất là lĩnh vực logistic vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cạnh tranh và tham gia vào các lĩnh vực đầu tư mới.
Thay mặt Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (Viet-Lao BACI), ông Phạm Quang Phú, Phó Chủ tịch hội cho biết, trong thời gian vừa qua, Lào đã đưa ra chính sách cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp, áp dụng chính sách xoay nợ ba bên, các gói hỗ trợ về tài chính với lãi suất 3%, 4,5% để hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào có nhiều thuận lợi do hoạt động tại địa bàn mà hai nước có mối quan hệ tốt đẹp, các doanh nghiệp Việt Nam được sự quan tâm, khuyến khích của Đảng và Chính phủ hai nước. Lào là quốc gia có môi trường đầu tư ổn định, tương đồng với Việt Nam và là nước có tốc độ tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định, xuất phát từ cơ chế, hành lang pháp lý, quy định, thủ tục hành chính ….
Ông Phạm Quang Phú đưa ra kiến nghị bốn nội dung đó là (1) Chính phủ Việt Nam cần xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất, có các chính sách hỗ trợ đặc thù về vốn, nguồn lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, các doanh nghiệp kiều bào đã làm ăn sinh sống tại Lào; (2) Chính phủ hai nước cần thiết lập một đường dây nóng, tạo đầu mối hành lang pháp lý để có thể giải quyết ngay các vấn đề vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư của hai nước; (3) hai ngân hàng Nhà nước và hai Chính phủ xem xét tạo điều kiện và cơ chế khuyến khích sử dụng đồng tiền kíp Lào và tiền đồng Việt Nam để thanh toán thương mại giữa hai quốc gia. Qua đó giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, giảm áp lực cho tình hình thiếu hụt nguồn ngoại tệ, cũng như cơ chế tỷ giá như hiện nay; và (4) Chính phủ Việt Nam cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động của Viet-Lao BACI, qua đó hội có điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Ông Nguyễn Bá Phong, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào AVIL cho biết, theo số liệu thống kê của Lào, Việt Nam có 414 dự án được cấp phép, tổng vốn khoảng 4,2 tỷ USD, đứng thứ ba các nước đầu tư vào Lào. Đến hết tháng 9, tổng kim ngạch XNK hai chiều đạt 738,9 triệu USD, giảm 10,8% so cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi nêu một số thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào, ông Nguyễn Bá Phong nêu một số kiến nghị, đáng chú ý có việc đề nghị phía Lào có biện pháp xử lý dứt điểm các dự án treo, dừng, chậm do các nhà đầu tư không đủ năng lực và tập trung, tạo điều kiện hơn đối với các dự án đang hiệu quả, các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Đại diện AVIL cũng cho rằng, hiện thủ tục hải quan hai nước chưa thống nhất; chính sách hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chính sách cơ chế của Lào về đầu tư còn chưa nhất quán, giữa T.Ư và địa phương nhiều vấn đề còn chưa thống nhất. Vấn đề quy hoạch đất và quỹ đất chưa rõ ràng nên có ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án.
Ông Bá Phong cũng nêu một số khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các dự án liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng, về các dự án trồng và khai thác cây cao su, về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và lĩnh vực thủy điện và cho rằng, các bộ, ngành hai nước cần tiếp tục phối hợp hướng dẫn triển khai cụ thể các Hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ, phối hợp đẩy nhanh việc cấp phép đầu tư và có cơ chế đặc thù cho một số dự án trọng điểm. Do hiện nay có nhiều doanh nghiệp đầu tư sang Lào về nông nghiệp, AVIL cũng đề xuất Chính phủ Lào xem xét, quy hoạch quỹ đất, xác định khu vực phát triển nông nghiệp dài hạn.
Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp khai thác ổn định, kinh doanh tốt, đề nghị Lào xem xét cấp giấy phép kinh doanh thời hạn 5 năm thay cho giấp phép hiện nay chỉ có thời hạn 1 năm. Trước mắt cho phép Sở Nông Lâm ở các tỉnh thực hiện gia hạn giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp như trước đây, xem xét điều chỉnh về tỷ lệ lao động nước ngoài tại các dự án đặc thù, dự án lớn. Cải tiến thủ tục XNK, bãi bỏ giấy phép con XNK đối với các doanh nghiệp có hàng hóa XND ổn định, đã được cấp hạn ngạch năm.
Tại hội nghị, ông Lưu Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Star Telecom, đại diện nhóm doanh nghiệp viễn thông cho rằng, Lào hiện dành ngân sách cho phát triển các dự án CNTT của chính phủ Lào chưa nhiều, hiện chủ yếu nhận sự tài trợ từ nước ngoài để thực hiện ba lĩnh vực trọng yếu là hệ thống tài chính ngân hàng, hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin và tệ thống Chính phủ điện tử. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn trong việc triển khai các dự án CNTT cho Chính phủ Lào.
Trong khi đó Chính phủ Việt Nam tập trung tài trợ cho Lào các dự án hạ tầng cơ sở, các dự án giao thông, năng lượng, đào tạo cán bộ, an sinh xã hội…, vì vậy Chính phủ hai nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam được triển khai các dự án CNTT cho Chính phủ Lào, trong đó tận dụng lợi thế từ các Tập đoàn Công nghệ lớn đã có kinh nghiệm triển khai các dự án chuyển đổi số tại Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT.
Đại diện khối ngân hàng, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Đại diện BIDV tại Lào, Tổng Giám đốc LaoVietBank đánh giá, về tài chính, hiện Lào đang thiếu hụt ngoại tệ, việc sử dụng ngoại tệ trong giao dịch hàng ngày ở mức cao, nhiều giao dịch với số lượng lớn không qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến khó kiểm soát ngoại hối. Vì vậy Chính phủ Lào cần tăng nguồn cung ngoại tệ cho các NHTM và kiểm soát chặt hơn các hoạt động của các quầy thu đổi ngoại tệ, đẩy mạnh sử dụng đồng kíp Lào trong hoạt động thanh toán, tiêu dùng trong thị trường nội địa. Một số vấn đề khác như thuế, cấp sổ đất và sử dụng sổ đất làm tài sản thế chấp có nhiều kẽ hở, hay việc nhiều mảnh đất chưa được cấp sổ đất vẫn được cơ quan chức năng cho đăng ký thế chấp nên tạo rủi ro pháp lý.
Ông Nguyễn Đức Vũ đề xuất Chính Phủ Lào chỉ đạo các bộ, ban, ngành đẩy nhanh tốc độ cấp sổ đất và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ liên quan đến việc quản lý đất cũng như điều chỉnh lại khung giá đất, đảm bảo phù hợp với từng địa phương.
Ông Dương Đình Bảng, Trưởng Văn phòng đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam tại Lào đánh giá cao việc Chính phủ Lào kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, đưa thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa trong từng giai đoạn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong việc áp dụng các biện pháp tại khu vực mình kinh doanh.
Nêu một số khó khăn, vướng mắc, ông Dương Đình Bảng nêu một số vấn đề về người lao động, về vốn, về chế độ thủ tục, thu các phí với người lao động Việt Nam chưa được cải tiến cho phù hợp, theo chế độ cào bằng (500 – 560 USD/người). Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, phí cách ly, phí khám phòng chống bệnh cao, thời gian cách ly dài, nên lao động kỹ thuật Việt Nam khó sang Lào để tiếp tục tham gia các dự án đầu tư tại Lào. Phía Lào cũng cần có các văn bản dưới luật để hướng dẫn các cơ quan chức năng triển khai thực hiện, tránh tình trạng Luật hoặc Thông tư, Chỉ thị của T.Ư đã có, nhưng bên dưới lại không thực thi với lý do chưa có văn bản hướng dẫn.
Đại diện cho lĩnh vực năng lượng, ông Đinh Ngọc Diệp, đại diện Công ty Cổ phần Điện Việt Lào cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là thủy điện gặp khó khăn trong việc di chuyển lao động và thiết bị từ Việt Nam sang Lào, gây ảnh hưởng tiến độ dự án; đề xuất Chính phủ Lào sớm ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết, cụ thể các luật; đề nghị Chính phủ Lào quy định rõ và xây dựng các khung chi tiết, cụ thể theo quy mô dự án và cấp độ công trình như phí quản lý giám sát việc thực hiện nghĩa vụ môi trường xã hội của các dự án, phí thuê tư vấn pháp lý, tài chính và kỹ thuật của Chính phủ Lào, phí quản lý hợp đồng nhượng quyền… để giảm thiểu thời gian đàm phán thống nhất các loại phí trên.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Dự án của Tập đoàn KN Vientiane cho rằng, một số luật của Lào còn nhiều quy định chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Các định nghĩa cùng một vấn đề nhưng ví dụ như Luật Mỏ và Luật Lâm nghiệp có sự hiểu khác nhau, dẫn đến các cơ quan không thống nhất khi giải quyết việc xác định diện tích chuyển đổi đất rừng sang đất mỏ. Một số doanh nghiệp Việt Nam còn bị khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài.
Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Tạp chí Lào – Việt cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác chặt để nắm thông tin, qua đó sẽ kinh doanh thuận lợi hơn; đặc biệt việc có liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tạo kênh thông tin để chủ động xây dựng kế hoạch, chính sách cũng như ứng phó với những vấn đề quan trọng. Ông Phạm Anh Tuấn cũng nêu khả năng việc xây dựng kết nối chính sách giữa hai nước Việt Nam và Lào nhằm tạo thuận lợi, có ý nghĩa thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển và là mối quan hệ đặc biệt.
Đây là hội nghị doanh nghiệp Việt Nam tại Lào do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức lần đầu tiên có sự tham dự và đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đưa ra những góc nhìn mới về hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp này cũng như những kiến nghị, góp phần làm đầy đủ hơn về bức tranh toàn cảnh về đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, đặc biệt là những kiến nghị về tăng cường, bổ sung một số vấn đề liên quan kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ của Việt Nam tại Lào.
Tại hội nghị doanh nghiệp Việt Nam tại Lào lần này còn một vấn đề mới mà tại các hội nghị trước chưa đề cập hoặc giải quyết, đó là việc sắp xếp, điều chỉnh lại cơ cấu của Viet-Lao BACI. Theo ông Vũ Văn Hòa, Tham tán Kinh tế, Văn hóa và Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Đại sứ quán trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với Viet-Lao BACI cũng như làm việc với các cơ quan chức năng của Lào theo hướng đề xuất để tăng cường bộ máy của Viet-Lao BACI tại các vùng miền của Lào, sắp xếp lại bộ máy để hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn, đặc biệt hội sẽ được tái cấu trúc mô hình hoạt động, là tổ chức tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào hoạt động hiệu quả cũng như là tổ chức tham mưu cho Đại sứ quán và các bộ, ngành của Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào.
Kết luận hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng khẳng định, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Lào còn một số khó khăn nhất định, nhưng một số vấn đề mang tính khách quan; cho biết, sẽ sớm tập hợp các ý kiến đóng góp gửi lên Chính phủ hai nước để dựa vào đó, lãnh đạo hai nước sẽ xem xét và giải quyết những vấn đề khó khăn, còn tồn đọng, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Theo NDĐT