Mặc dù chịu ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 kể từ quý I giống như nhiều nước khác trên thế giới, nền kinh tế Lào sau 5 tháng đầu năm 2020 vẫn ghi nhận một số thành tựu đáng kể.
Thuộc khuôn khổ kỳ họp 9, Quốc hội Lào khóa VIII, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã báo cáo các chỉ số kinh tế mà chính phủ đã đạt được sau gần nửa đầu năm 2020, trong đó phản ánh nhiều dấu ấn tác động của đại dịch Covid-19.
Về lĩnh vực kinh tế vĩ mô, do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia dự báo mức tăng trưởng GDP của Lào trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 3.3%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%, trong kịch bản thuận lợi, GDP có thể tăng trưởng ở mức 3,6%, tương đương khoảng 175.720 tỷ Kip.
Theo kịch bản thuận lợi, GDP của Lào trong năm 2020 tăng trưởng ở mức 3.6% được dựa vào khả năng phát triển của các thành phần kinh tế, gồm có:
+Ngành Nông nghiệp tăng trưởng mức 2,3%, giảm 0,4% so với kế hoạch, mặc dù không đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra nhưng có thể thấy sự nỗ lực của người dân trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.
Bối cảnh khả năng xuất khẩu bị hạn chế đã thúc đẩy nhu cầu hàng tiêu dùng trong nước lên cao, hoạt động trồng trọt rau củ và các loại hoa quả khác nhau đã được triển khai trên diện tích 85.477 ha, dự kiến cho năng suất trên 813.970 tấn, tương đương 68% kế hoạch; Vụ sản xuất rau mùa khô cũng được thực hiện được trên diện tích hơn 24.578 hecta, trong đó đáng chú ý là đã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc được khoảng 15.000 tấn.
+ Ngành Công nghiệp ghi nhận tăng trưởng 6,8%, giảm 1,5% so với kế hoạch, lĩnh vực Công nghiệp chế biến và thủ công nghiệp đạt 3.574 tỷ Kip, tương đương 24,44% kế hoạch năm, tăng 10,20% so với cùng kì năm trước, dự báo 6 tháng đầu năm sẽ đạt giá trị sản xuất khoảng 6.256 tỷ Kip.
+ Ngành Dịch vụ: bất chấp các nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch Lào – Trung Quốc, nhưng dịch bệnh Covid-19 đã kéo khả năng tăng trưởng ngành dịch vụ xuống thấp, chỉ đạt 1,7%, giảm 5,2% và có tiếp tục thể giảm xuống -4,5%. Số liệu tổng hợp cho thấy lượng du khách vào Lào trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 888.447 lượt, giảm 17% so với cùng kì năm trước, khiến lĩnh vực vận tải hàng không và đường bộ giảm trên 90%.
+ Giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn 5 tháng cũng chỉ thực hiện được 39,78% so với kế hoạch của năm, trong đó xuất khẩu giảm 6,1%, nhập khẩu giảm 8,1%. Dự kiến cuối năm đạt 91,7% kế hoạch, trong đó nguồn thu xuất khẩu sẽ giảm 9,98%. Cụ thể, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu bao gồm nhóm hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm 8,43%, phương tiện và phụ tùng chiếm 7,27%, đồ uống, rượu và thuốc lá chiếm 3,93% và vải, đồ may mặc, túi xách, giầy dép chiếm 1,48%.
Tuy nhiên, khả năng phát triển kinh tế của Lào còn thiếu tính vững chắc, các doanh nghiệp vẫn thiếu tính chủ động và nỗ lực cải thiện khả năng kinh doanh, thiếu tham vọng mở rộng thị trường ra bên ngoài. Ngoải ra, nhiều thành phần kinh tế có dấu hiệu trì trệ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Kỳ vọng tăng trưởng của Lào cũng bị hạn chế vì thiếu nền tảng kĩ thuật sản xuất, công nghệ hiện đại, ứng dụng đổi mới và số hóa quá trình sản xuất, chế biến để đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu thị trường cả ở khu vực và quốc tế. Lào có nền công nghiệp phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ và kinh tế hộ gia đình, chiếm đến 94,57% tổng các doanh nghiệp, nhà máy trong nước.
Ngoài ra, vấn đề thiếu vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lí và quản trị kinh doanh còn yếu kém, chất lượng tay nghề lao động hạn chế, việc xuất khẩu sản phẩm nông sản phần lớn là nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, trong đó hàng thành phẩm được xuất khẩu chủ yếu từ ngành may mặc, có giá trị gia tăng nhưng không quá 25% giá trị của sản phẩm.
Cùng với đó, lĩnh vực chế biến nông sản còn chưa phát huy được thế mạnh vì thiếu chính sách thúc đẩy, khuyến khích rõ ràng, thiếu tư liệu hỗ trợ, bao gồm công cụ, thiết bị, kho bảo quản cho đến hệ thống trong việc chứng thực và bảo đảm chất lượng sản phẩm… nguyên nhân một phần là do thiếu sự phối hợp giữa các thành phần vĩ mô trong việc khuyến khích sản xuất hàng hóa và xuất khẩu, thiếu chính sách quy hoạch và cơ sở hạ tầng cần thiết.
Vì vậy, mục tiêu phát triển năng lực của ngành công nghiệp và thương mại trong giai đoạn 5 năm tới sẽ tập trung vào phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ có chất lượng, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Đồng thời, chuyển hướng sang thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tăng cường giá trị sản xuất hàng hóa trong nước, đảm bảo chất lượng và tính đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng công nghệ đổi mới khoa học vào trong quá trình sản xuất, từ đó tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa.
Lào cũng sẽ tập trung thúc đẩy giao thương hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng và xóa bỏ rào cản trong việc tiếp cận số hóa nhằm góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, từng bước đưa đất nước đủ điều kiện thoát khỏi tình trạng kém phát triển, phát triển lớn mạnh, cân bằng và bền vững, tiến tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030.
Tổng hợp