1. Lào kịp kết thúc Sea Games 30 với 1 Huy chương Vàng:
Hôm 10/12, đoàn thể thao Lào kịp thời có 1 HCV trong lần tham dự đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 tại Philippines bởi võ sĩ kickboxing Soukan Taypanyavong khi anh này chiến thắng tay đấm chủ nhà trong trận đấu cuối cùng của hạng cân dưới 60kg. Trước đó, cũng ở nội dung môn kickboxing giành cho nữ dưới 48kg, võ sĩ Mala Chanthalaksa cũng đã giành được 1 HCĐ.
Kết thúc Sea Games 30, đoàn thể thao Lào đứng ở vị trí áp chót trên bảng tổng sắp huy chương với 1 HCV, 5 HCB và 27 HCĐ. Các huy chương còn lại của đoàn thể thao Lào nằm ở bộ môn Judo, bi sắt, đua xe đạp, Muay Thái và các môn võ khác. Đông Timor là đoàn thể thao xếp cuối khi không dành được HCV nào.
2. Quốc tế: Trung Quốc tạo ảnh hưởng với Lào thông qua đầu tư:
Truyền thông quốc tế mới đây đưa tin Trung Quốc tiếp tục phê duyệt các khoản viện trợ không hoàn lại mới giành cho Lào trị giá 90 triệu USD để đầu tư vào một dự án bệnh viện tại Vientiane và thêm 615 triệu USD cho các dự án cải tạo hạ tầng Y tế trong vòng 3 năm tới. Điều này tiếp tục đưa Trung Quốc giữ vị trí đầu tiên trong các quốc giá có đầu tư nhiều nhất vào Lào tính đến thời điểm hiện tại đạt hơn 7 tỷ USD vào các đặc khu kinh tế, dự án thủy điện, khai khoáng, cao su và dự kiến sẽ rót thêm tiền vào dự án đặc khu kinh tế mới tại tỉnh Champasak, miền Nam Lào.
Giới quan sát nhận định ảnh hưởng của Trung Quốc đang lớn dần đối với Lào và Campuchia. Tờ World Politics Review cho biết Lào không có lựa chọn khác ngoài việc thỏa thuận chấp nhận dòng đầu tư của Trung Quốc để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia.
3. Khai trương trung tâm hàng hóa Lào tại Vientiane:
Mới đây, Trung tâm thương mại Vientiane Center đã khai trương chính thức khu vực hàng hóa ODOP “mỗi huyện một sản phẩm” của Lào.
Báo Thương mại Lào mô tả sự kiện này “giúp nhà sản xuất hàng hóa thuần Lào không còn lo lắng về việc tìm nơi trưng bày và quảng bá sản phẩm tại thị trường thành phố Vientiane”.
Khu vực hàng ODOP Lào tại tầng 1 của Vientiane Center sẽ chính thức hoạt động, bày bán những sản phẩm thuần Lào như đồ thủ công, vải vóc, váy, áo… cho đến ẩm thực truyền thống Lào.
4. Hội chợ thương mại đồ gỗ Lào chuẩn bị diễn ra:
Hội chợ thương mại đồ gỗ Lào lần thứ 6 sẽ diễn ra trong các ngày từ 11-19/01/2020 tại trung tâm thương mại Lao ITECC ở thủ đô Vientiane. Tiến độ chuẩn bị hiện tại đã đạt khoảng 90%, theo ban tổ chức.
Hội chợ lần này quy tụ ít nhất 80 đơn vị doanh nghiệp nội thất tại Lào với tổng giá trị hàng hóa trưng bày khoảng 12 tỷ kíp, dự kiến thu hút khoảng 150.000 lượt khách tham quan.
Hội chợ thương mại đồ gỗ Lào là sân chơi cho sản phẩm gỗ, nội thất Lào có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chế tác và tìm thị trường. Những năm trở lại đây, đồ gỗ Lào được đánh giá có chất lượng đi lên đáng kể và được nhiều người nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên việc chuyên chở đồ gỗ Lào ra khỏi nước này vẫn gặp nhiều khó khăn do quy định chặt chẽ của Chính phủ về nguyên liệu, kích thước và quy cách hàng hóa.
5. Lao Telecom bổ nhiệm lãnh đạo mới:
Ngày 9/12, Công ty viễn thông Lào Lao Telecom chính thức tổ chức lễ bàn giao chức vụ và bổ nhiệm mới vị trí Tổng giám đốc và thành lập ban điều hành mới theo quyết định của Bộ Bưu chính và Viễn thông nước này.
Theo đó, ông Souphon Chanhthavixay-nguyên Phó tổng giám đốc sẽ đảm nhiệm lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp viễn thông nhà nước Lào thay cho Tổng giám đốc cũ, ông Thavone Somsakun.
Lao Telecom là công ty viễn thông lớn ở Lào, hiện có 3.5 triệu thuê bao và mới thử nghiệm thành công mạng 5G đầu tiên tại nước này.
6. Lào thâm hụt thương mại trong tháng 10/2019:
Theo báo cáo của Bộ Công Thương Lào mới đây, kim ngạch thương mại tháng 10 của nước này đạt 873 triệu USD (chưa tính bán điện), nhập siêu 196 triệu USD. Như vậy, nước này tiếp tục thâm hụt sâu khi tháng 9 cũng chứng kiến mức nhập siêu lên đến 137 triệu USD.
Hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Lào chủ yếu vẫn là đồng và hàng hóa từ đồng(29 triệu USD), quặng đồng (49 triệu USD), chuối (17 triệu USD), sợi xenlulo và bột giấy (28 triệu USD), linh kiện máy ảnh (25 triệu USD), nước uống (17 triệu USD),, hàng may mặc (17 triệu USD), đồ điện (11 triệu USD), cao su (23 triệu USD) và trâu, bò (16 triệu USD).
Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu của Lào là xe cộ (41 triệu USD), thiết bị điện (26 triệu USD), dầu (41 triệu USD), thiết bị máy móc (45 triệu USD), sắt thép (41 triệu USD), đồ uống (21 triệu USD), nhựa plastic (14 triệu USD), đường (13 triệu USD) và gia cầm, gia súc (27 triệu USD).
Thị trường mà Lào xuất khẩu chính là Trung Quốc (128 triệu USD), Thái Lan (89 triệu USD), Việt Nam (76 triệu USD), Đức (8 triệu USD) và Thụy Sĩ (8 triệu USD).
Thị trường mà Lào nhập khẩu chính bao gồm Thái Lan (290 triệu USD), Trung Quốc (132 triệu USD), Việt Nam (67 triệu USD), Nhật Bản (10 triệu USD) và Hàn Quốc (gần 5 triệu USD).
7. Hải quan Lào Savannakhet (Mukdahan) thu ngân sách yếu:
Hải quan cửa khẩu Hữu nghị số II Lào-Thái Lan mới đây cho biết đơn vị này chỉ đạt khả năng thu ngân sách 404 tỷ kíp, giảm 5.28% so với cùng kỳ năm ngoái và còn cách xa mục tiêu đặt ra ban đầu là 533 tỷ kíp.
Theo đó, khả năng nhập khẩu giảm sút 19.75% so với kế hoạch 10 tháng đầu năm, trong đó có thể kể đến lượng xe nhập khẩu giảm từ 714 chiếc ở cùng kỳ năm 2018 xuống còn 598 chiếc, khả năng thu ngân sách từ xe cộ chiếm 15.75% tổng thu.
Nguồn thu ngân sách từ linh kiện, phụ tùng nhập khẩu cũng giảm mạnh 58.34% (33 tỷ kíp) khi các nhà nhập khẩu lớn như Autoworld, KoLao đều nhận được ưu đãi miễn VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 5%.
Bên cạnh đó, thu ngân sách ở các nhóm hàng hóa khác và thuế, phí các loại ổn định hơn. Hải quan cửa khẩu Hữu nghị số II cho biết khả năng thu phí các loại đạt 55 tỷ kíp so với chỉ tiêu 36 tỷ, thu thuế hàng hóa tiêu dùng đạt 85 tỷ so với chỉ tiêu 75 tỷ. Đơn vị này cho biết đến cuối năm 2019, dự kiến thu ngân sách đạt 510 tỷ kíp, tương đương 95.68% kế hoạch năm.
Tổng hợp