Ngày 14/4, các nhà lãnh đạo ASEAN đã dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố chung.
CHÚNG TÔI, Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước Thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc đã tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về hợp tác ứng phó dịch bệnh COVID-19 vào ngày 14 tháng 4 năm 2020. Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, Chủ tịch ASEAN, đã chủ trì Hội nghị;
Quan ngại sâu sắc về những thách thức nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân và những tác động tiêu cực đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia liên quan và của thế giới nói chung;
Bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc trước những tổn thất sinh mạng và hậu quả do đại dịch gây ra;
Nhận thức sự lây lan theo cấp số nhân và mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố là đại dịch vào ngày 11-3-2020;
Nhấn mạnh sự biết ơn và ủng hộ đối với tất cả các chuyên gia và nhân viên y tế đang làm việc tuyến đầu với tất cả trái tim và khối óc để chống lại đại dịch, cứu mạng sống cho người dân;
Thừa nhận tầm quan trọng của sự tham gia của người dân trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch Covid -19;
Hoan nghênh các biện pháp được các Thiết chế tài chính quốc tế (IFIs) thực hiện để hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu bằng cách sử dụng và tăng cường các công cụ để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của các nước thành viên các thiết chế này;
Ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tới tất cả các quốc gia cùng nhau ứng phó quyết liệt, sáng tạo và đẩy lùi sự lây lan của vi-rút và giải quyết những thiệt hại về kinh tế – xã hội do Covid-19 gây ra;
Ghi nhận cam kết của các nhà lãnh đạo G20 nêu trong Tuyên bố Hội nghị cấp cao đặc biệt ngày 26-3-2020 xây dựng một mặt trận đoàn kết chống lại mối đe dọa chung Covid-19;
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của WHO trong chiến dịch toàn cầu nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, công nhận tầm quan trọng của việc triển khai các biện pháp y tế trong Quy định y tế quốc tế (năm 2005) và nhấn mạnh sự cần thiết của Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) trong xử lý các thách thức y tế công cộng như Covid-19;
Nhận thức vai trò quan trọng của hợp tác ASEAN+3 đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ðông Á. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác y tế và những cơ chế hợp tác y tế hiện có trong việc giải quyết các thách thức y tế công cộng, bao gồm hợp tác thành công chống lại dịch SARS năm 2003.
Hoan nghênh những nỗ lực tích cực và kịp thời của các kênh hợp tác y tế ASEAN+3 và giữa các đối tác +3 nhằm cùng nhau ứng phó với Covid-19 ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát.
Hài lòng ghi nhận những kết quả đáng khích lệ từ Hội nghị trực tuyến đặc biệt các quan chức cấp cao y tế ASEAN+3 ngày 3-2-2020, Hội nghị trực tuyến đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc ngày 20-3-2020; và Hội nghị trực tuyến đặc biệt các Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 về Covid-19 ngày 7-4-2020.
Ghi nhận các quyết định hoãn tổ chức một số sự kiện chính bao gồm Ô-lim-pích và Pa-ra-lim-pích.
Hoan nghênh Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14-2-2020 và Tuyên bố Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch Covid-19 ngày 14-4-2020, thể hiện cam kết ở cấp cao nhất của ASEAN về ứng phó chung trước sự bùng phát của dịch Covid-19, phát huy tinh thần một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Ủng hộ cách tiếp cận đa ngành, nhiều bên tham gia và toàn thể cộng đồng của ASEAN trong việc xử lý các thách thức nhiều mặt do Covid-19 gây ra.
Tái khẳng định cam kết chung của chúng tôi nhằm tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN+3 nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, xử lý các tác động tiêu cực của đại dịch đối với các xã hội và nền kinh tế.
Ðể đạt mục tiêu này, chúng tôi quyết tâm:
1. Tăng cường hệ thống cảnh báo sớm trong khu vực về đại dịch và các bệnh dịch khác cũng như trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời và minh bạch về tình hình thực tế và các biện pháp triển khai của mỗi quốc gia trong việc chống lại Covid-19; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật lẫn nhau trong phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát lây lan cũng như điều trị lâm sàng các trường hợp nhiễm bệnh. Ủng hộ ứng phó mạnh mẽ và phối hợp chung trong kiểm soát và điều trị nhằm tận dụng các nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn Covid-19 hiệu quả, phù hợp và thích hợp đối với mức độ nghiêm trọng và tình hình diễn biến tiếp theo của dịch bệnh tại các nước thành viên và trong khu vực, được hướng dẫn bởi các đánh giá nguy cơ quốc gia; các báo cáo định kỳ về đánh giá nguy cơ bùng phát quốc tế về Covid-19 tại khu vực ASEAN; và các hội nghị trực tuyến của các quan chức cấp cao y tế ASEAN+3 về các vấn đề chiến lược và chính sách và Mạng lưới các Trung tâm điều hành khẩn cấp (EOC) của ASEAN về các vấn đề kỹ thuật.
2. Nâng cao năng lực quốc gia và khu vực nhằm sẵn sàng ứng phó với đại dịch, bao gồm bảo vệ các cán bộ và nhân viên y tế ở tuyến đầu và cung cấp đầy đủ thuốc men và vật tư y tế, đặc biệt là các dụng cụ chẩn đoán, thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị y tế, tuân thủ các mục tiêu về hiệu quả, an toàn và khả năng tiếp cận.
3. Xem xét thành lập một kho dự phòng các vật tư y tế thiết yếu trong ASEAN+3 nhằm ứng phó nhanh chóng trước các nhu cầu khẩn cấp. Khuyến khích sử dụng các kho dự phòng khẩn cấp hiện có trong khu vực bao gồm các kho do Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa (AHA) quản lý, cân nhắc sử dụng Kho dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR).
4. Ủng hộ các nỗ lực khu vực chung của kênh hợp tác y tế ASEAN+3 và ASEAN nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa y tế công cộng, trên cơ sở triển khai Quy định y tế quốc tế (IHR) năm 2005 và thông qua các cơ chế hiện có, bao gồm Mạng lưới các Trung tâm điều hành khẩn cấp ASEAN (EOC) và Trung tâm ảo BioDiaspora ASEAN.
5. Tăng cường hợp tác khoa học về nghiên cứu dịch tễ học, bao gồm thông qua Mạng lưới đào tạo dịch tễ học thực địa ASEAN+3 (FETN), phối hợp với khu vực tư nhân, nhằm nhanh chóng nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối các loại thuốc chẩn đoán và vắc-xin chống vi-rút, tuân thủ các mục tiêu về hiệu quả, an toàn, cân bằng, khả năng tiếp cận và chi trả cũng như tích cực chia sẻ và tận dụng các công nghệ kỹ thuật số và sáng tạo để thúc đẩy các biện pháp ứng phó dựa trên nghiên cứu khoa học nhằm chống Covid-19.
6. Khuyến khích ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN và ba nước đối tác trong việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cho ngành y tế công cộng, bao gồm hỗ trợ nâng cấp các cơ sở y tế phòng ngừa và kiểm soát truyền nhiễm, đào tạo nhân viên y tế công cộng và cấp học bổng cho sinh viên từ các nước thành viên ASEAN để học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo và các lĩnh vực khoa học liên quan của ba nước đối tác và tăng cường hệ thống y tế quốc gia.
7. Nỗ lực bảo đảm đủ tài chính để ngăn chặn đại dịch và bảo vệ người dân, bao gồm đề xuất thành lập Quỹ ứng phó của ASEAN với các trường hợp y tế công cộng khẩn cấp, với nguồn lực tài chính được trích từ các quỹ hợp tác ASEAN+1 và ASEAN+3 hiện có, cùng với khả năng hỗ trợ thêm từ các đối tác bên ngoài của ASEAN.
8. Tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời công dân các nước ASEAN+3, đặc biệt là nhóm đang chịu tổn thương nhất, đang sinh sống, làm việc và học tập tại các nước, bảo đảm phẩm giá, sức khỏe, cuộc sống, an toàn và điều trị công bằng và hiệu quả cho những người bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cũng như hỗ trợ sự di chuyển của người dân khi thích hợp.
9. Thúc đẩy các nỗ lực đẩy mạnh truyền thông đại chúng hiệu quả, đa dạng về hình thức truyền thông, bao gồm cập nhật kịp thời về các chính sách liên quan của chính phủ, về thông tin an toàn và sức khỏe công cộng, làm rõ những thông tin sai lệch và tin tức giả mạo, nỗ lực giảm bớt sự kỳ thị và phân biệt đối xử.
10. Tái khẳng định cam kết mở cửa thị trường đối với thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN+3 nhằm bảo đảm an ninh lương thực như việc sử dụng Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR), tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, hàng hóa vật dụng, thuốc men và vật tư y tế thông qua việc vận hành trơn tru và liên tục của các mạng lưới hậu cần, đồng thời bảo đảm rằng các biện pháp cần thiết để ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp sẽ được triển khai có trọng tâm, hợp lý, minh bạch và tạm thời, không tạo ra những rào cản không cần thiết đối với thương mại hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và phù hợp với các quy tắc của WTO.
11. Khuyến khích duy trì sự kết nối cần thiết trong khu vực bằng cách hỗ trợ ở mức độ có thể cho sự di chuyển thiết yếu của người dân, bao gồm các chuyến đi công tác, đồng thời bảo đảm an toàn sức khỏe công cộng phù hợp với những nỗ lực của chúng tôi trong việc chống lại đại dịch cũng như giảm thiểu các tác động kinh tế xã hội của Covid-19.
12. Tái khẳng định cam kết của chúng tôi tăng cường các nỗ lực chung về phục hồi sau đại dịch, kích thích phát triển kinh tế và tự cường tài chính, phục hồi tăng trưởng, kết nối và du lịch, duy trì ổn định thị trường và phòng ngừa những rủi ro tiềm tàng của suy thoái kinh tế.
13. Triển khai các biện pháp thích hợp và cần thiết để thúc đẩy niềm tin thị trường để cải thiện sự ổn định và khả năng tự cường của nền kinh tế khu vực một cách có ưu tiên và phối hợp, bao gồm thông qua kích thích kinh tế, và để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và nhóm dễ bị tổn thương. Tận dụng công nghệ và thương mại số để giúp doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) duy trì hoạt động.
14. Tăng cường các nỗ lực ổn định sản xuất và cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cần thiết, bao gồm trang thiết bị y tế thiết yếu, các sản phẩm nông nghiệp quan trọng, duy trì sự lưu thông cần thiết hàng hóa và dịch vụ và bảo đảm duy trì kết nối chuỗi cung ứng trong và ngoài khu vực bằng cách làm cho chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt hơn, bền vững và ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc để hỗ trợ phát triển kinh tế, tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực được thông qua năm 2019.
15. Duy trì cảnh giác trước những rủi ro tiềm tàng đối với ổn định tài chính khu vực, thúc đẩy hợp tác tài chính khu vực và điều phối chính sách chặt chẽ hơn và hỗ trợ Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) theo dõi tình hình kinh tế tài chính trong khu vực và đưa ra những đánh giá rủi ro và tư vấn chính sách kịp thời. Tái khẳng định cam kết của chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Thỏa thuận tài chính khu vực (RFA), như một tầng nấc đáng tin cậy trong Mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu.
16. Cam kết hợp tác chặt chẽ với WHO, các tổ chức liên quan và cộng đồng quốc tế cũng như khuyến khích quan hệ đối tác công tư (PPP) và toàn xã hội trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch, đồng thời giải quyết các hậu quả kinh tế và xã hội sâu sắc của Covid-19, bảo vệ đời sống người dân và bảo đảm duy trì tăng trưởng.
17. Duy trì đoàn kết, cảnh giác cao độ và sẵn sàng hành động nếu cần thiết.
18. Giao các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 đóng vai trò điều phối chính, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành liên quan trong khuôn khổ ASEAN+3 nhằm theo dõi quá trình triển khai các cam kết và thỏa thuận được nêu trong Tuyên bố chung này.
Theo Nhân dân điện tử