Ngày 22/10/2019 vừa qua tại Thủ đô Viêng Chăn, trong buổi công bố bản báo cáo về tình hình lưu vực sông Mekong lần thứ 3, Tổng thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) An Pich Hatda cho biết, hàng thập kỷ vừa qua, các nước tiểu vùng Mekong bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt nam có sự thay đổi nhanh chóng nhất là về kinh tế – xã hội và môi trường. Đồng thời, sự phát triển trên lưu vực sông Mekong kéo theo nhiều thách thức bao gồm sự gia tăng nhanh chóng của dân số, đầu tư mạnh mẽ trên lưu vực sông Mekong, biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên, những thách thức này có tác động rất lớn cả về mặt tích cực và tiêu cực đối với đời sống và phúc lợi của người dân trong khu vực tiểu vùng Mekong.
Báo cáo về lưu vực Mekong của Ủy hội sông Mekong Quốc tế 2018 khuyến nghị các bên nên khẩn trương lập kế hoạch và quản lý lưu vực tốt hơn, đồng thời theo dõi, giám sát dòng chảy của sông Mekong để giải quyết các thách thức trong toàn lưu vực. Trên thực tế, gần 70 triệu dân số dựa vào sông Mekong là nguồn sinh kế chính, trong đó 2/3 dân số hoặc hơn 40 triệu người dựa vào đánh bắt cá trên sông Mekong để mưu sinh hàng ngày. Ở tầm vĩ mô, ngành thủy sản sông Mekong đã tăng 18% GDP của Campuchia; 13% GDP Lào và đóng góp vào ngân sách Thái Lan và Việt Nam hơn 5.500 triệu USD.
Tổng thư ký MRC cho biết thêm, báo cáo về tình hình lưu vực sông Mekong là một trong những sáng kiến MRC thực hiện để giao cho Ủy hội sông Mekong với cương vị là Cơ quan tổ chức và quản lý phát triển trên lưu vực sông Mekong, có vai trò thẩm định và theo dõi những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.
Lưu vực sông Mekong cần được sử dụng một cách hợp lý theo Hiệp ước Mekong năm 1995, báo cáo lưu vực sông Mekong có tầm rất quan trọng và rất cần thiết, giúp các quốc gia thành viên phổ biến chính sách và nắm bắt sự thay đổi diễn ra trong lưu vực. Báo cáo tình hình lưu vực lần 3 không chỉ đánh giá mức độ hạ lưu sông Mekong mà lần đầu tiên còn xem xét lại tình hình ở thượng lưu sông Mekong của Trung Quốc và Myanmar, hai quốc gia sẽ là đối tác quan trọng của các nước hạ lưu Mekong để thực hiện chiến lược phát triển 2016 – 2030 và chiến lược lưu vực sông Mekong 2021 – 2025.
Theo KPL