Hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với kế hoạch cung cấp 1.100 suất học bổng mới cho công dân Lào mà chính phủ Việt Nam phê duyệt.
Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Lào vừa có buổi gặp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simalavong để trao đổi về kế hoạch hợp tác lĩnh vực giáo dục song phương.
Theo đó, hai bên dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận về kế hoạch chiến lược hợp tác giáo dục giai đoạn 2021-2030 vào cuối năm nay, bên cạnh việc cung cấp các suất học bổng Việt Nam cho công dân Lào trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm trình độ cử nhân, trên cử nhân và đào tạo ngắn hạn. Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam cũng cung cấp học bổng cho Lào thông qua nhiều cơ sở giáo dục và bộ ngành khác nhau.
Năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã cấp hơn 1.200 suất học bổng cho sinh viên và cán bộ Lào sang học tập tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị và quản trị, quốc phòng, an ninh và khoa học và công nghệ.
Theo Vụ Công tác Sinh viên, có hơn 7.000 công dân Lào đã học tập ở nước ngoài vào năm 2018 và hơn 6.000 người vào năm 2019 theo các diện học bổng trao đổi hoặc tự túc.
Trong hơn 3.000 lượt sinh viên đã tốt nghiệp chương trình học bổng dài hạn diện hiệp định tại Việt Nam, kết quả thống kê cho thấy có 20% đạt hạng khá giỏi, 70% đạt loại trung bình, 5-10% dưới trung bình, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 97%.
Trong gần 10 năm qua, du học sinh Lào theo học tại Việt Nam tập trung vào các chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, sư phạm, kinh tế… trong đó có hơn 51% theo học ngành sư phạm bậc cử nhân trở lên, do đây là một trong các lĩnh vực mà Lào chú trọng phát triển để nâng cao chất lượng giáo dục trong nước.
Ngoài ra, sinh viên Lào cũng theo học các chuyên ngành khoa học hiện đại như CNTT, điện lực, giao thông, sinh hóa, kỹ thuật xây dựng.
Các quốc gia có nhiều sinh viên Lào theo học gồm có Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài giáo dục, Lào và Việt Nam còn có nhiều hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, viễn thông, lao động, du lịch, biên giới, kinh tế.
Tổng hợp