Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su của Lào tăng lên cùng với mức giá bán tốt đang là những tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp nước này.
Tuy nhiên, mặc dù có sự tăng trưởng đều đặn, cao su vẫn bị tụt xuống xếp thứ 2 trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Lào sau khi chiếm giữ vị trí này trong năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu cao su của nước này trong năm 2017 đạt 153.4 triệu USD và đạt 168.1 triệu USD vào năm 2018 trước khi vượt ngưỡng 217 triệu USD trong năm ngoái, theo số liệu mới nhất được đưa ra bởi Bộ Công thương Lào. Mặt hàng nông nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ và vượt qua cao su về số lượng xuất khẩu của Lào chính là gia súc (chủ yếu là trâu, bò).
Năm 2017, giá cao su tại Lào giảm mạnh xuống mức 3.000-4.000 kip/kg do thị trường thế giới dư thừa nguồn cung. Theo Bộ Nông Lâm, thời điểm hiện tại, giá cao su dao động ở mức 5.000-6.000 kip/kg và sản lượng khai thác đang có xu hướng tăng theo diện tích cao su đến mùa vụ trên cả nước.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, cao su không còn là lựa chọn hấp dẫn tại Lào bởi liên tục trượt giá, việc này đã làm không ít nhà đầu tư từ bỏ diện tích cao su để chuyển sang loại cây trồng khác. Đặc biệt là tình trạng khó khăn của người trồng cao su ở miền Bắc Lào khi liên lục phải vật lộn với giá thấp và nguy cơ vỡ nợ.
Hiện Lào có tổng diện tích cao su khoảng 300.000ha, được trồng theo 3 dạng chính bao gồm mô hình tô nhượng đất diện tích lớn của doanh nghiệp nước ngoài; mô hình doanh nghiệp Lào đầu tư và hình thức trồng nhỏ lẻ của người nông dân. Dự báo, đến năm 2020, cả 300.000ha cao su tại Lào đều có thể thu hoạch mủ, dự kiến sẽ làm tăng gấp đôi sản lượng cung ứng cho thị trường. Giá cao su của Lào đạt đỉnh 15.000-20.000 kip/kg trong năm 2010 với các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.
Tại thị trường lớn hàng đầu của mình là Trung Quốc, Lào ghi nhận nhu cầu thu mua 10.000 tấn cao su trong năm 2017, tăng lên 20.000 tấn trong năm 2018 và vẫn duy trì ổn định cho đến hiện tại, bất chấp các tác động và diễn biến của covid-19, các chuyến xe chở cao su từ LuangNamtha sang Trung Quốc vẫn đang diễn ra bình thường.
Theo Bộ Công thương, tổng giá trị cao su mà Lào xuất sang Trung Quốc trong năm 2019 đạt 96.66 triệu USD và 119.9 triệu USD cho Việt Nam, tuy nhiên số lượng cao su bán cho Thái Lan lại chưa được ghi nhận.
Cao su bắt đầu phát triển tại Lào từ những năm 2000, thời điểm nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào trồng cao su nhiều, chủ yếu với hình thức 2+3, các doanh nghiệp, chủ yếu từ Trung Quốc đến các địa phương miền Bắc thuê đất và đầu tư cho hàng chục nghìn hộ nông dân để trồng, chăm sóc và thu hoạch mủ rồi thu mua lại. Trước khi rơi vào thời kỳ khủng hoảng những năm 2015, giá cao su tại Lào có lúc đã giúp nhiều gia đình Lào có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, người nông dân gặp áp lực trước cảnh vay nợ để trồng cao su thông qua việc thế chấp đất. Trong khi đó các nhà đầu tư vốn ràng buộc điều kiện được độc quyền thu mua, từ đó chi phối giá thu mua theo ý. Vì việc này mà nhiều nông dân đã mất đất do không có khả năng chi trả các khoản đã vay.
Tổng hợp