Lào đang ngày càng ghi nhân sự gia tăng của các hiện tượng thời tiêt cực đoan ít xuất hiện do tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong những năm trở lại đây, các chuyên gia môi trường chỉ ra rằng Lào đang phải đối mặt với hạn hán và lũ lụt có tần suất nhiều hơn, trong khi thời tiết đang biến đổi nóng hơn và lạnh hơn ở nhiều vùng của đất nước, gây ra ảnh hưởng đến nền nông nghiệp cũng như sức khỏe của người dân.
Năm 2021, Lào ghi nhận diễn biến thời tiết phức tạp xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó đáng chú ý là việc xuất hiện một đợt mưa tuyết lịch sử tại các huyện biên giới của tỉnh XIeng Khuang tại miền bắc, nơi giáp với một số tỉnh của Việt Nam. Tuần qua, một đợt giông lốc xảy ra tại Vientiane và gây ra sương mù cục bộ, điều đã không xảy ra trong nhiều năm qua.
Cục trưởng Cục Quản lý thiên tai và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Syamphone Sengchandala hôm 10/2 cho biết thời tiết khắc nghiệt thường xuyên xảy ra tại Lào, đặc biệt là đợt sương mù ở Viêng Chăn có khả năng liên quan đến biến đổi khí hậu do tăng trưởng kinh tế và giải phóng khí nhà kính từ xe cộ và các ngành công nghiệp khác. Theo các nhà khoa học, sương mù thường hình thành khi không khí ấm hơn trên mặt nước đột ngột tiếp xúc với bề mặt mát hơn của đất liền. Tất cả các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đều được các chuyên gia môi trường cho rằng nó có thể liên quan đến biến đổi khí hậu do mức độ gia tăng carbon dioxide thải ra ở Lào và các nước lân cận.
Hiện tại, Chính phủ Lào đã thiết lập kế hoạch chiến lược hành động khí hậu đến năm 2050 nhằm nỗ lực lồng ghép các biện pháp rủi ro thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững và phúc lợi con người vào các chiến lược phát triển quốc gia. Nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng nhiều loại cây lương thực trở nên ít dinh dưỡng hơn khi được trồng dưới mức CO2 cao dự kiến vào năm 2050, với lượng protein, sắt và kẽm bị giảm ước tính từ 3 đến 17%.
Các chuyên gia môi trường dự đoán rằng biến đổi khí hậu có thể xảy ra với tần suất hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng ở Lào, với năng suất cây trồng có thể giảm 10% vào năm 2020 và 30% vào năm 2050. Điều này có thể ảnh hưởng thêm đến các biện pháp cải thiện an ninh lương thực mà Lào đang thực hiện.
Tổng hợp