Thông cáo báo chí hôm nay 29/3 diễn ra tại Phủ thủ tướng do Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng thủ tướng chủ trì đã công bố chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith về các biện pháp phòng chống covid-19 tại Lào.
Trước tình hình diễn biến của dịch covid-19 tiếp tục phức tạp ở quy mô toàn thế giới với số lượng người nhiễm bệnh và các ca tử vong ngày càng tăng, Chính phủ Lào quyết định nâng cấp ngăn chặn và phòng chống sự lây lan diện rộng của dịch, theo nội dung chỉ thị. Cụ thể như sau:
1. Yêu cầu các Bộ, cơ quan cấp trung ương và địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục rộng khắp bằng nhiều hình thức cho người dân Lào, ngoại kiều, người không có quốc tịch, người nước ngoài đang sinh sống tại Lào nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch covid-19 và nắm được cách thức tự phòng chống căn bệnh này, đồng thời nhận thức được mức độ quan trong của các biện pháp phòng chống dịch do chính phủ ban hành.
2. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước dừng làm việc tại công sở kể từ ngày 1-11/4 và tiếp tục nghỉ đến hết giai đoạn Tết Lào Bunpimay (hết ngày 19/4) trừ lực lượng quân đội, công an, cứu hỏa, cơ quan cấp điện, nước dân sinh, truyền thông, y tế, tình nguyện, trường hợp cán bộ nhà nước được giao nhiệm vụ thường trực và cán bộ thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Yêu cầu cơ quan nhà nước các cấp hướng dẫn cán bộ thuộc phòng, ban trực thuộc làm việc tại nhà qua kênh trực tuyến, tuy nhiên vẫn cần chỉ định cán bộ trực ban tại cơ quan để xử lý các công tác đột xuất, bất ngờ.
3. Cấm người dân, cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, bộ đội, công an, công nhân, học sinh, sinh viên, doanh nhân, ngoại kiều, người không có quốc tịch và người nước ngoài đang sinh sống tại Lào rời khỏi nhà hoặc nơi cư trú, ngoại trừ các trường hợp cần thiết bao gồm: mua sắm hàng tiêu dùng; đi bệnh viện; đi thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt (theo điều 10 của Chỉ thị này) và thực hiện các nhiệm vụ được giao ngoại trừ trường hợp cần phải sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực nhưng phải nằm dưới sự quản lý và giám sát theo quy mô do cơ quan chính quyền cấp bản cho phép.
4. Cấm mọi cá nhân di chuyển sang địa phương khác hoặc khu vực có người đã nhiễm bệnh hoặc khu vực có nguy cơ lây lan ngoại trừ các trường hợp được cấp phép bởi chính quyền địa phương sở tại với các lý do thực sự cần thiết như: vận tải hàng hóa; đi bệnh viện. Yêu cầu cơ quan y tế và ban ngành hữu quan thiết lập các chốt kiểm soát lưu động để kiểm tra thông tin, quản lý số lượng và quy mô của những trường hợp ngoại lệ nêu trên. Đối với dịch vụ vận tải hành khách, chính phủ cũng yêu cầu tạm ngừng hoạt động.
5. Cấm đầu cơ và nâng giá hàng hóa cần thiết cho công tác phòng dịch lây lan; hàng hóa tiêu dùng như: khẩu trang; nước rửa tay; dược phẩm; vật tư y tế; gạo; thực phẩm; nước uống… Yêu cầu cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định.
6. Cấm truyền bá, phổ biến và chia sẻ thông tin sai sự thật dưới mọi hình thức thông qua kênh thông tin đại chúng làm dư luận hiểu sai, gây lo ngại và tác động tiêu cực tới xã hội. Yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
7. Cấm tổ chức các hoạt động hội họp, lễ lạt, nghi thức tôn giáo, đám cưới, tiệc có quy mô trên 10 người. Các hoạt động thực sự cần thiết như tang lễ có trên 10 người tham dự phải được thực hiện nghiêm ngặt theo các nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh do Bộ Y tế ban hành, cụ thể: đo thân nhiệt, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, sử dụng khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.
8. Tiếp tục đóng cửa các cửa khẩu chính và phụ trên phạm vi cả nước, cấm hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới, đối với cả trường hợp đã được cấp phép trước đó nhưng chưa thực hiện xuất nhập cảnh. Các phương tiện vận tải hàng hóa của doanh nghiệp được cấp phép đầy đủ vẫn có thể qua lại biên giới nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh. Yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với các bên liên quan tạo điều kiện hỗ trợ cho người nước ngoài có ý định nhập cảnh trở về nước mình.
9. Tiếp tục đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke, quán bia, mọi hình thức massage-spa, phòng tập gym, phòng tập thể thao, chợ đêm, đồng thời đóng cửa các nhà máy dệt may và các nhà máy khác, kể cả quy mô lớn nếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, ngoại trừ nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng ngừa dịch và cần phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh. Các đơn vị doanh nghiệp đóng cửa nhà máy phải quản lý công, nhân viên theo quy định do Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội đã đề ra.
10. Cho phép các loại hình kinh doanh cần thiết tiếp tục hoạt động bao gồm: ngân hàng, tổ chức tài chính không phải ngân hàng, sàn chứng khoán, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thuốc, nhóm cứu hộ, hoạt động bưu chính, viễn thông, điện lực, nước sạch, thu gom rác thải, chợ nông sản, bán lẻ hàng hóa, cửa hàng tiện lợi, trạm nhiên liệu, quán ăn-cà phê. Chỉ cho phép các resort, khách sạn cung cấp dịch vụ phòng nghỉ và ăn uống và tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh đồng thời áp dụng hình thức xoay vòng nhân công để giảm tình trạng tập trung đông người.
11. Yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường nhân lực và đào tạo nghiệp vụ y tế, tình nguyện, quân đội, công an; xây dựng kế hoạch, quy trình kiểm tra các trường hợp nghi nhiễm để thực hiện cách ly, điều trị kịp thời các ca nhiễm; tăng cường tổ chức tích trữ vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác điều trị; củng cố các khu vực đã được chỉ định để cách ly, điều trị bệnh; xây dựng kế hoạch ngân sách để triển khai công tác phòng chống dịch hiệu quả; tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ quan, tổ chức để kêu gọi viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho việc phòng chống dịch.
Các quy định có hiệu lực từ 30/3-19/4/2020 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Theo VPCP