Để đảm bảo lực lượng lao động nước ngoài tuân thủ quy định luật pháp, Chính quyền Thủ đô Viêng Chăn chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, tạo điều kiện cấp phép giấy tờ pháp lý cho người chưa đủ điều kiện.
Một cuộc họp được tổ chức bởi Sở Lao động đã diễn ra hôm 5/6 vừa qua dưới sự chủ trì của Đô phó Viêng Chăn Sihun Sitthileuxay để quán triệt việc phân cấp vai trò các ban ngành địa phương trong giải quyết vấn đề người lao động nước ngoài.
Theo thông tin từ Sở Lao động và Phúc lợi xã hội thủ đô Viêng Chăn, hiện địa phương ghi nhận rất nhiều trường hợp lao động chui bằng việc sử dụng visa du lịch. Chủ yếu làm việc trong lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ, xây dựng…
Lãnh đạo thủ đô yêu cầu cơ quan chức năng các quận hỗ trợ tối đa cho người lao động có nguyện vọng làm việc tại địa phương thông qua việc cung cấp, giới thiệu quy trình xác minh, xin cấp giấy phép các loại.
Theo đó, sau khi thực hiện xác minh lao động, phía cơ quan An ninh và Công thương sẽ lên danh sách lao động bất hợp pháp và Sở, phòng Lao động địa phương có trách nhiệm thực hiện giấy phép tạm thời cho lao động nước ngoài trên. Đặc biệt, lao động sử dụng xe đẩy bán hàng rong sẽ là đối tượng được chú ý đặc biệt trong thời gian tới. Việc cấp giấy phép lao động tạm thời do Sở Lao động chịu trách nhiệm nói trên được phân cấp bắt đầu từ năm ngoái.
Nói tại cuộc họp, Đô phó Sihun Sitthileuxay cho biết, trong nhiều năm, Chính quyền thủ đô Viêng Chăn gặp khó khi xác minh lao động bất hợp pháp tại địa phương do sự bao che của bộ phận người dân và cả cán bộ công chức. Vì vậy, một số biện pháp mới đã được áp dụng, chủ yếu là phân cấp và tăng cường nguồn lực được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả.
Tính đến năm 2018, hơn 42 nghìn lao động nước ngoài đã được ghi nhận tại Lào, chủ yếu là người Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan. Trong đó có khoảng 23 nghìn trường hợp đã thực hiện xác minh quốc tịch.
Theo số liệu của Sở Lao động và Phúc lợi xã hội thủ đô Viêng Chăn, hiện có khoảng 2.000 lao động bất hợp pháp trong tổng số 5.000 lao động nước ngoài đang sống và làm việc tại đây, chủ yếu là người Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan.
Lào bắt đầu yêu cầu lao động nước ngoài xác minh và đăng ký hợp pháp kể từ năm 2012 để đảm bảo trật tự, an ninh và quyền lợi của lao động nội địa.
Theo Laoedaily