Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Bắc Lào và Trung Quốc do Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất, dự kiến sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới – WB.
Cục Đường bộ Việt Nam vừa có công văn số 6386/CĐBVN – KHĐT kiến nghị Bộ GTVT xem xét, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Bắc Lào và Trung Quốc.
Dự án này có mục tiêu nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn khoảng cách giữa các cửa khẩu với các cảng biển, giảm thời gian chạy xe qua đó giảm được chi phí vận tải, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng dự án; tăng cường kết nối hành lang Đông – Tây, góp phần thúc đẩy giao thương với vùng Bắc Lào và Trung Quốc.
Có 3 quốc lộ được đưa vào danh mục Dự án gồm: Quốc lộ 279 đoạn Điện Biên – cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên; Quốc lộ 4H (đoạn Km0+00 – Km47+00; đoạn Km147+200 – Km165+500 và nhánh ra cửa khẩu A Pa Chải), tỉnh Điện Biên; Quốc lộ 217 đoạn Quốc lộ 1 – đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa.
Tổng chiều dài đầu tư xây dựng của Dự án (3 tuyến quốc lộ) khoảng 189 km, trong đó đoạn tuyến Quốc lộ 279 đoạn Điện Biên – cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên được đầu tư nâng cấp, cải tạo có chiều dài 38,7 km; đoạn tuyến Quốc lộ 4H (đoạn Km0+00 – Km47+00; đoạn Km147+200 – Km165+500 và nhánh ra cửa khẩu A Pa Chải), tỉnh Điện Biên được nâng cấp, cải tạo có chiều dài 56 km; đoạn tuyến Quốc lộ 279 đoạn Điện Biên – cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên được đầu tư nâng cấp, cải tạo có chiều dài 94,4 km.
Các đoạn tuyến Quốc lộ thuộc Dự án sẽ được nâng cấp, cải tạo để đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi hoặc đường cấp III đồng bằng, quy mô 2 làn xe. Các công trình cầu và hệ thống ATGT được đầu tư đồng bộ với quy mô đường.
Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến khoảng 9.419,74 tỷ đồng, tương đương khoảng 396,40 triệu USD, trong đó chi phí dành cho Quốc lộ 279 là 2.044 tỷ đồng; Quốc lộ 4H là 3.904 tỷ đồng và Quốc lộ 217 là 3.466 tỷ đồng.
Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền vay vốn ưu đãi của WB trị giá khoảng 7.494,15 tỷ đồng (tương đương khoảng 315,37 triệu USD) cho các hạng mục: chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật/tư vấn thiết kế bản vẽ thi công trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công trước thuế và chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.
Phần vốn đối ứng trị giá khoảng 1.925,59 tỷ đồng (tương đương khoảng 81,03 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí quản lý dự án, tư vấn 7 đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.
Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án sẽ có thời gian thực hiện là 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2025 đến năm 2029).
Theo Baodautu