Chiều tối 14-10, lễ trao giải hội đua thuyền truyền thống Vientiane 2019 được tổ chức ngay bên bờ Mê Công, thu hút không ít người tham dự, trong đó có cả những khách quốc tế.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trong tiếng Lào gọi là Boun Suang Huea, là một trong những lễ hội lâu đời và lớn tại Lào, được tổ chức hằng năm vào cuối mùa chay (Ok Phansa), tính theo Phật lịch Lào là ngày rằm tháng 11. Đêm trước của lễ hội đua thuyền còn có lễ hội thả đèn hoa đăng, nhưng thu hút sự chú ý hơn cả vẫn là lễ hội đua thuyền, do đây là hoạt động mang tính tổ chức cao, thi đấu thể thao, thể hiện ý chí chế ngự thiên nhiên và nét đẹp của người dân vùng sông nước.
Hàng nghìn người dân Lào đã tham dự lễ hội đua thuyền dọc theo dòng Mê Công chảy qua địa phận Thủ đô Vientiane, trong đó có không ít là du khách nước ngoài. Sau hai ngày tranh tài với ba loại thuyền, trong đó đua thuyền truyền thống được tổ chức thành hai bảng với các tay chèo nam và nữ riêng biệt.
Thường thì các địa phương ở Lào có các con sông lớn chảy qua mới tổ chức lễ hội đua thuyền và tổ chức vào những thời điểm khác nhau. Năm nay, Thủ đô Vientiane tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trong hai ngày 13 và 14-10. Cũng như năm ngoái, hội đua thuyền truyền thống 2019 tại Thủ đô Vientiane không được tổ chức tại bến Vat Chan, một địa điểm gần như cố định từ xưa đến nay do nước tại dòng sông Mê Công cạn khác thường.
Boun Suang Huea 2019 tại Thủ đô Vientiane ngày 14-10 có 22 đội tham gia thi đấu, chia làm các bảng gồm sáu thuyền nam truyền thống, sáu thuyền nữ truyền thống và 10 thuyền đua chuyên có 55 tay chèo. Đây đều là các loại thuyền đua cỡ lớn, đóng theo các tiêu chuẩn quy định. Trước đó, ngày 13-10, cũng diễn ra hội đua thuyền loại nhỏ, có 12 tay chèo với sáu đội đại diện cho các quận, huyện của Thủ đô Vientiane tranh tài.
Điểm đáng chú ý của Lễ hội đua thuyền truyền thống Vientiane năm nay là ban tổ chức đã kêu gọi xã hội hóa, huy động được toàn bộ kinh phí tổ chức lễ hội, tạo một hướng mới cho các công tác tổ chức lễ hội khác tại Lào khi không phải sử dụng ngân sách nhà nước. Qua đó, có thể tổ chức nhiều các lễ hội khác mang tính địa phương hay các lễ hội nhỏ, tạo sự phong phú và đa dạng với mục đích quảng bá du lịch, dịch vụ của Lào.
Sau Boun Suang Huea, tại Lào sẽ diễn ra nhiều các lễ hội khác mà gần nhất là lễ hội Thạt Luổng (Tháp lớn). Lào đang vào mùa du lịch, cùng với Cánh đồng Chum vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới thứ ba. Nhiều khả năng, ngành du lịch Lào sẽ đạt mục tiêu thu hút 4,5 triệu lượt du khách quốc tế đến nước này.
Theo NDĐT