Dự án phát triển Thabok-Thanaleng và khu vực Logistics thủ đô Vientiane chính thức khởi công hôm 3/7 vừa qua, cùng ngày diễn ra lễ ký hợp đồng tô nhượng (CA) giữa Chính phủ Lào và nhà phát triển dự án, Công ty Vientiane Logistic Park.
Theo đó, dự án nói trên sẽ được thực hiện theo hình thức BOT, có thời hạn tô nhượng 50 năm, tổng giá trị đầu tư 727 triệu USD trên diện tích 200 ha. Đây được xem là một trong các dự án có quy mô lớn hàng đầu tại Lào, đồng thời, nằm trong khuôn khổ đề án ưu tiên phát triển ngành Logistic quốc gia (2016-2030) do Chính phủ Lào xây dựng. Dự kiến, giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ hoàn thành, được đưa vào sử dụng cùng với thời điểm bắt đầu khai thác thương mại dự án đường sắt Lào-Trung Quốc vào cuối năm 2021 tới đây.
Liên quan đến quá trình phát triển dự án, với kỳ vọng đưa đất nước trở thành trung tâm kết nối giao thông của khu vực, hồi tháng 4/2019 vừa qua, Chính phủ Lào đã ký biên bản ghi nhớ để thực hiện nghiên cứu khả thi dự án cảng cạn và khu Logistic Thabok-Thanaleng nói trên với công ty Sitthi Logistic, một doanh nghiệp trong nước.
Quá trình nghiên cứu khả thi kinh tế-môi trường được hoàn thành và thông qua vào tháng 2/2020, cùng thời điểm, Chính phủ Lào cho phép thành lập công ty Vientiane Logistic Park, là đơn vị thực hiện dự án theo hình thức BOT trong vòng 50 năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Vientiane Logistic Park Chanthone Siththixay cho biết dự án được cấu thành từ 2 phần chính trên cùng một khu vực, trở thành khu Logistics lớn nhất thành phố Vientiane, tạo điều kiện cho việc hội nhập, kết nối tiểu vùng và phát triển thương mại, vận tải quốc tế để đem lại nhiều lợi ích nhất.
Cụ thể, khu Thabok-Thanaleng sẽ là một phần của khu Logistic thuộc khuôn khổ Hiệp định liên chính phủ về phát triển cảng cạn ESCAP, là điểm vận tải đa phương thức chuẩn quốc tế đầu tiên của Lào, cung cấp toàn bộ các dịch vụ liên quan đến cảng cạn, bao gồm cả dịch vụ gom hàng lẻ (LCL), từ đó tạo điều kiện thúc đẩy lĩnh vực thương mại, giảm chi phí vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, khu vực này cũng có chức năng như là trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh với việc tích hợp đầy đủ hệ thống hải quan.
Dự án sẽ được quy hoạch thành khu vực trọng điểm cho cách dịch vụ giá trị gia tăng, bao gồm khu dịch vụ Logistic; dịch vụ vận tải và cung cấp hàng hóa trong và ngoài nước; khu vực phi thuế quan đối với công nghiệp sản xuất; điểm trung chuyển hàng hóa và thúc đẩy thương mại quốc tế; dịch vụ kho lạnh; trung tâm dịch vụ vận tải SMEs.
Theo giám đốc Vientiane Logistic Park, dự án bao gồm 3 giai đoạn chính, trong giai đoạn thứ nhất, 150-180 triệu USD sẽ được đầu tư để tạo hình khu Logistics với việc xây dựng bãi container, kho cấp đông, kho chứa hàng hóa, cải tạo đường xá và các hạng mục phụ trợ. Dự kiến hoàn thành cùng thời điểm với dự án đường sắt Vientiane-Boten vào cuối năm tới.
Giai đoạn 2-3 sẽ tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại theo kế hoạch dự án trong vòng 5-10 năm. Vientiane Logistic Park cho biết thời gian hồi vốn dự kiến là 15 năm.
Để cho phép nền kinh tế Lào được hưởng lợi từ tuyến đường sắt Côn Minh-Bangkok và sử dụng đầy đủ nguồn lực và nguồn lao động dồi dào ở Lào, Chính phủ Lào đã ban hành các chính sách khuyến khích kinh tế và các quy định ưu đãi có lợi cho việc xây dựng một trung tâm Logistics hiệu quả ở Vientiane.
Cảng cạn Vientiane không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư vào Viêng Chăn và các khu vực lân cận, mà còn biến thủ đô của Lào này thành một trung tâm kinh tế lớn dọc theo tuyến đường thương mại theo Sáng kiến một vành đai, một con đường của Trung Quốc.