Các vấn đề nhận được sự chú ý của dư luận thời gian qua được các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét lại do chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Chiều 5/6, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Lào khóa 8 tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Phó CTQH Bunpon Buttanavong. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến vào báo cáo của Chính phủ trong buổi sáng cùng ngày.
Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ giải quyết các vấn đề tồn tại như công tác thu ngân sách không minh bạch; các biện pháp xử lý trường hợp vi phạm pháp luật chưa triệt để, đặc biệt là nạn xâm chiếm, chặt phá rừng bảo tồn. Ngoài ra, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết sớm các dự án trồng chuối của nhà đầu tư nước ngoài; xem xét lại biểu giá điện bán lẻ; thanh, kiểm tra lại vấn đề thuê – chuyển nhượng đất; vấn đề cấp phép khai thác lâm sản cho từng Bộ, ngành được đánh giá đang còn manh mún, mạnh ai nấy làm; vấn đề công tác phát triển nông thông và xóa đói giảm nghèo thiếu chủ động; chính sách phát triển địa phương không đồng bộ, thiếu rõ ràng.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến về công tác phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chuyên ngành được ưu tiên là nông nghiệp, giáo viên và Y tá nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong phát triển Kinh tế – Xã hội.
Theo đó, Kỳ họp Quốc hội tiếp tục trong sáng 6/6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Pany Yathotou đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề phát triển nguồn nhân lực.
Theo ý kiến ĐBQH khu vực bầu cử số 1, thủ đô Viêng Chăn, ông Thongsalith Mangnomet cho biết, giai đoạn 2014-2019 ghi nhận tốc độ phát triển tương đối tốt của lĩnh vực phát triển tài nguyên con người của Lào với hơn 100 nghìn cán bộ mới. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo viên gặp khó khăn lớn khi nhiều cán bộ ngành đã chuyển đổi công tác sang lĩnh vực khác.
Theo ĐB Thongsalith, hạn ngạch giáo viên năm 2017-2018 đạt 1.850 người, tuy nhiên lại có đến 2.700 cán bộ ngành này thôi công tác. Tương tự năm 2018-2019, có 930 cán bộ giáo viên mới nhưng lại có đến hơn 3.000 trường hợp thôi công tác, chủ yếu lực lượng giáo viên nghỉ việc để thay đổi sang lĩnh vực khác, điều này dẫn đến việc thiếu giáo viên trầm trọng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc áp dụng chính sách công đối với lĩnh vực giáo viên chưa được sâu sát. Từ đó, ĐBQH thủ đô Viêng Chăn đề nghị Chính phủ chú trọng công tác áp dụng chính sách cho nhóm cán bộ, giáo viên, đề nghị thực hiện công tác thi đua, khen thưởng kịp thời, đều đặn. Đồng thời, Đại biểu Thongsalith cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại hiệu quả của chiến lược phát triển nhân lực Quốc gia, đề nghị các Bộ, ngành có quản lý cơ sở giáo dục công tổ chức thảo luận tìm hướng phát triển nhân lực đúng đắn, đảm bảo cả về chất và lượng.
Về vấn đề nguồn nhân lực, nhiều ĐBQH cũng đề xuất ý kiến về phân cấp cán bộ cần đúng chuyên môn, chuyên ngành, đồng thời đề nghị Chính phủ tăng nguồn ngân sách cho lĩnh vực này.
Theo KPL