Lào đã phát hiện 42 loại hóa chất bị Trung Quốc cấm và 55 loại bị Chính phủ Lào cấm đã được các nhà vườn sử dụng trong sản xuất chuối.
Trên các vùng đất màu mỡ của Lào, chuối thơm Cavendish mang lại doanh thu khổng lồ cho các chủ đồn điền . Trong những năm trở lại đây, ngoài gạo, cà phê, sắn, cao su, chuối là một trong năm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Lào, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những bê bối do việc lạm dụng hóa chất khiến môi trường hủy hoại nghiêm trọng, đồng thời chuối ngâm hóa chất đã bắt đầu bị Trung Quốc tẩy chay và tăng cường kiểm soát chất lượng khiến nhiều doanh nghiệp trồng chuối phải đi đến bước phá sản.
Nhìn lại thời điểm 2014, khi Trung Quốc vươn lên vị trí số một về đầu tư vào Lào, các nhà đầu tư nước này bắt đầu ồ ạt đến miền Bắc Lào tìm đất canh tác chuối do khả năng sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, các doanh nghiệp thuê đất lại từ người nông dân với giá từ 300 USD cho 1Ha, đất gần nguồn nước có thể còn lên đến hàng nghìn USD/Ha, mức giá tốt hơn cả việc canh tác lúa, đồng thời chủ vườn còn tuyển thêm công nhân Lào vào làm việc khiến những giao dịch thuê đất nhanh chóng ngã ngũ. Địa phương đầu tiên nở rộ trồng chuối với diện tích lớn nhất là tỉnh Bokeo.
Sau đó 3 năm, vào thời điểm 2016-2017, dự luận phẫn nộ với việc nguồn nước cũng như hệ sinh thái, nơi vốn là nguồn sống của người dân địa phương xung quanh vườn chuối bị ô nhiễm nặng nề do hóa chất. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi Viện Nông Lâm nghiệp quốc gia Lào (NAFRI) công bố báo cáo cho thấy việc sử dụng hóa chất bừa bãi trong các nhà vườn Trung Quốc khiến nơi ít nhất là 35% tổng số lao động và nơi cao nhất 63% làm tại các trại chuối rủi ro đến mức chủ trại chỉ ký hợp đồng với lao động bản địa trong một vài năm vì lo họ có thể chết ở đó. Kết quả của báo cáo trên đã thúc giục Chính phủ Lào phải thực sự nghiêm túc kiểm soát lại vấn đề, mà mở đầu bằng lệnh cấm hồi đầu năm 2017. Các doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn giữa việc sản xuất sạch hoặc chấm dứt hoạt động trồng chuối, Chính phủ cũng đã cấm các doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng hóa chất được tiếp tục gia hạn thuê đất cho đến khi vụ chuối thời điểm đó kết thúc.
Kết quả khảo sát cho thấy, Lào đã phát hiện 42 loại hóa chất bị Trung Quốc cấm và 55 loại bị Chính phủ Lào cấm đã được các nhà vườn sử dụng, các hóa chất phổ biến trong vườn chuối gồm phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất paraquat và thuốc diệt nấm để ngâm bảo quản chuối. EU cùng nhiều quốc gia khác, có cả Lào và Trung Quốc, đều cấm paraquat, nhưng nhà vườn Trung Quốc vẫn sử dụng tràn lan.
Người lao động phần lớn đều dần cảm nhận được mối nguy hại từ những hóa chất sử dụng trong vườn chuối, tuy nhiên theo Viện Nông Lâm Lào, đa phần diện tích chuối đều là các giao dịch cho thuê đất giữa người dân với doanh nghiệp do lợi ích trước mắt quá lớn. Kết hợp với việc hạn chế hiểu biết về tác hại của hóa chất, không sử dụng phương tiện bảo hộ phù hợp trong khi làm việc là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật của lao động Lào tại các đồn điền chuối.
Mới đây, báo KTXH dẫn lời phỏng vấn báo chí của Thứ trưởng Nông Lâm Lào Bunkhoang Khambunheuang cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu đến trồng chuối tại Lào từ năm 2009 chủ yếu với hình thức thuê đất, canh tác, thuê nhân công Lào, thu hoạch và xuất sang Trung Quốc. Sau khi bị dư luận lên án do sử dụng hóa chất, kết hợp với dịch bệnh hàng loạt và chính quyền Trung Quốc bắt đầu tăng cường kiểm soát dư lượng hóa chất trong chuối khiến diện tích trồng và số doanh nghiệp đầu tư vào vườn chuối đang có xu hướng giảm mạnh.
Theo số liệu của Chính phủ Lào, năm 2016-2017, cả nước có tổng cộng 26 nghìn Ha chuối được canh tác bởi 117 doanh nghiệp, tuy nhiên, do ảnh hưởng từ lệnh cấm, đến năm 2018, diện tích chuối giảm còn hơn 20 Ha và dự khiến giảm tiếp còn 15 nghìn Ha trong năm nay, lượng doanh nghiệp trồng chuối cũng sẽ giảm xuống còn hơn 90 đơn vị.
Mới đây, Chính phủ đã ra quyết định yêu cầu các doanh nghiệp trồng chuối cần có đầy đủ hồ sơ đảm bảo sản xuất sạch mới có thể tiếp tục canh tác loại cây này. Hồi đầu tháng vừa qua, lệnh cấm một doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng thêm 300 Ha diện tích trồng chuối tại quận Naxaithong, thủ đô Viêng Chăn đã được ban hành. Theo đó, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi mục đích canh tác sang loại cây khác, nếu cố ý vi phạm, 500 Ha chuối đã trồng trước đó sẽ bị cưỡng chế chặt bỏ. Hiện nay, thủ đô Viêng Chăn đã cấm hoàn toàn các dự án trồng chuối mới trên địa bàn, Thứ trưởng Bunkhoang cho biết thêm.
Theo KTXH