Khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn chiều ngày 08/08/2019 đã vang lên khẩu hiệu sôi nổi từ hơn 200 người tham dự chương trình “Sống Xanh như người Mường Thanh”, thu hút sự quan tâm chú ý của cả khách mời lẫn khách du lịch tại khách sạn. Ngoài đội ngũ hơn 200 cán bộ nhân viên Mường Thanh, chương trình mở cửa cho công chúng và còn hân hạnh đón chào những khách mời từ Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (BACI) tham dự và phát biểu.
Chủ đề tuy không nằm ngoài “Sống Xanh – Bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, tiến tới Không-Rác-Thải” nhưng chương trình không đề cập một cách khô khan lý thuyết hay kêu gọi chung chung, mà tạo ra một bầu không khí chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, nâng cao ý thức về rác thải và đề xuất những giải pháp rất thực tiễn với minh họa trực quan ngay tại sân khấu mà bất cứ cá nhân nào cũng có thể làm để góp phần mình vào công cuộc bảo vệ môi trường. Cuối chương trình, người tham dự còn được tự tay làm ra những sản phẩm “tái chế”, biến rác thải thành những sản phẩm có ích. Hai giải pháp độc đáo được quan tâm nhất chính là: Gạch sinh thái từ rác thải nhựa và Enzyme sinh thái từ rác thực vật như vỏ trái cây, rau củ tươi.
Là người tham dự và tỏ ra rất hào hứng với chương trình, chị Nguyễn Thị Mai cho biết, sau 3 tiếng đồng hồ, chị nhận được nhiều bài học quý giá cho mình, cho gia đình và cho nơi mình làm việc. Nội dung chị thấy hữu ích nhất là “sử dụng vỏ hoa quả để làm thành các sản phẩm tẩy rửa đa công dụng: nước rửa tay, rửa bát lau sàn, lau bếp, nước giặt,… vừa có ích cho sức khỏe, cho môi trường lại vừa giảm thiểu công sức người thu gom rác.”
Chị Phương, một kế toán viên, lại cảm thán “Buổi đào tạo đầy ý nghĩa và hữu ích, tôi học được thêm một bài học cuộc sống: chỉ cần làm một việc nhỏ có ý nghĩa cũng đủ khiến cho cuộc sống của bản thân, mọi người và môi trường xung quanh đều trở nên khỏe mạnh, hạnh phúc”.
Cảm nhận của chị Hiên, nhân viên nhà hàng Dokchampa tại khách sạn Mường Thanh, sau chương trình là “Cảm thấy rất vui và hào hứng khi được tham gia buổi đào tạo để tiếp thu những hiểu biết thiết thực, từ đây biết xử lý rác thải một cách đúng đắn”.
Anh Niên thuộc bộ phận An ninh khách sạn thì đánh giá buổi đào tạo “Lần đầu tiên tôi được tham gia một khóa đào tạo thật sự bổ ích cho cuộc sống, cho gia đình và tương lai như thế này. Trước đây, tôi thật sự có những nhận thức rất hạn chế về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tái chế rác thải. Nội dung hữu ích nhất của chương trình là thay đổi thói quen sống hàng ngày của chính mỗi người.”
“Chương trình tuyệt vời trên cả mong đợi”, “rác thải có thể tạo nên những sản phẩm mà chúng ta không thể ngờ được”, “Cần ý thức hơn về sử dụng nylon và nhựa”, “chưa bao giờ nghĩ tới có thể sử dụng các thứ bỏ đi hàng ngày như vỏ trái cây, chai nhựa để tạo thành những thứ có ích”, “từ nay tôi sẽ từ chối nhận túi nylon” và “tôi là người Mường Thanh, tôi sẽ làm được”… là những cảm nhận chung của rất nhiều người tham dự chương trình.
Ngoài ra, nhiều người tham dự còn đánh giá “giảng viên nhiệt huyết, vui vẻ, năng động, tỉ mỉ, dày dạn kinh nghiệm, nhiều sáng kiến, nhiệt tình và tâm huyết, truyền cảm hứng tốt”. Chị Kim Hồng còn thể hiện mong muốn “giảng viên đến với Mường Thanh của chúng em nhiều hơn”. Chị Lansonthi còn bày tỏ mong muốn “có cách nào để nhân rộng được chương trình này đến từng cá nhân, từng nhà, từng tập thể và xã hội rộng rãi”, thậm chí chị Trà Giang còn “mong muốn giảng viên trở thành một đại sứ tuyên truyền trong công cuộc cách mạng xanh”.
Giảng viên, Health Coach Trần Thị Ánh Phương, là người hướng dẫn trực tiếp trong chương trình Sống Xanh như người Mường Thanh. Chị Ánh Phương cho biết: Buổi đầu gặp gỡ Ninh Thị Nguyên, cô giám đốc trẻ tài năng của Mường Thanh luxury hotel Vientiane với ý tưởng một buổi tọa đàm về môi trường cho hơn 200 cán bộ nhân viên khách sạn, tôi cũng không ngờ chỉ 3 ngày sau cuộc gặp ấy, sự kiện “Sống Xanh như người Mường Thanh” lần đầu tổ chức lại thành công tới vậy. Thành công ấy phải kể đến chủ trương #GreenLife của tập đoàn Mường Thanh, sự ủng hộ của Ban lãnh đạo khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn, của các khách mời đến từ Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, của Ban tổ chức chương trình và đặc biệt là sự tham dự nhiệt tình của toàn thể CBNV, những “người Mường Thanh sống xanh”.
Chương trình còn có hai khách tham dự hết sức đặc biệt là một đôi vợ chồng người Hàn Quốc, chỉ giao tiếp được bằng tiếng Anh nhưng ngồi tham dự từ đầu đến cuối chương trình và hỏi đáp hết sức nhiệt tình trong giờ giải lao. Trong công đoạn thực hành cuối chương trình, tất cả những người tham dự đã làm Phương hết sức bất ngờ vì thành quả là những chai gạch sinh thái được làm hoàn chỉnh một cách hăng say, vui vẻ từ những con người đầy quyết tâm và nỗ lực. Bất cứ ai từng làm chỉ một chai gạch sinh thái đều hiểu thời gian công sức cho việc này vất vả đến đâu. Đây cũng chính là lý do tôi muốn nhân rộng mô hình này, mục đích chính không phải để mọi người “thu thập” được thật nhiều rác thải để làm gạch. Mà mục đích chính là khi đã hiểu những vất vả của công cuộc “tái chế”, chính các bạn sẽ trở thành những “thám tử plastic” để phát hiện ra nhựa, nylon đang xuất hiện ở những đâu trong cuộc sống của mình hàng ngày và mình có thể làm gì để giảm thiểu, dù chỉ mỗi ngày giảm một chiếc túi nylon.
Về giảng viên: Trần Thị Ánh Phương là một cái tên không còn quá xa lạ với nhiều người quan tâm tới dinh dưỡng, sức khỏe và môi trường, đặc biệt là các ông bố bà mẹ Việt, bởi chị còn là tác giả cuốn sách về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ sắp xuất bản trong năm 2019 có tên “Mẹ là Doctor Chef”.
Là một Health Coach, còn gọi là Huấn luyện viên sức khỏe, được chứng nhận bởi Học viện dinh dưỡng Tổng hợp IIN (Mỹ), công việc chính đầy đam mê của Ánh Phương là giúp cho mọi người sống khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thức ăn vật chất và thức ăn tinh thần, đồng thời đạt được các mục tiêu sức khỏe của chính mình.
Ánh Phương từng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như: VTV, báo Eva.vn, báo VNExpress, báo Việt Nam mới, tạp chí Ẩm thực Nếp Magazine, vv… Các chương trình đào tạo về sức khỏe của chị cũng từng được chào đón tại Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Ngân hàng Sacombank, NH Vietinbank, NH Quân đội, khách sạn Crowne Plaza,…
Health Coach Trần Thị Ánh Phương còn có “biệt danh” là Environmental Coach, bởi những hoạt động sôi nổi về môi trường và sức lan tỏa từ chính lối sống xanh của chị và gia đình. Những giải pháp “Không rác thải” chị thực hiện như một người dẫn đầu như “gạch sinh thái” hay “enzyme sinh thái” tuy còn mới mẻ ở thủ đô Viêng Chăn nơi chị sinh sống, nhưng đã bước đầu được đón nhận một cách hào hứng và nhiệt tình./.