Chính sách khuyến khích phát triển lao động nội địa để phục vụ đất nước của Lào có lẽ sẽ tiếp tục gặp khó do làn sóng ra nước ngoài của lực lượng lao động nước này vẫn khó kiểm soát.
Theo Savanphatthana, dẫn thông tin phỏng vấn Chủ tịch công đoàn huyện Thapangthong, tỉnh Savannakhet, địa phương có đường biên giới giáp với Thái Lan cho biết, các biện pháp thông tin tuyên truyền của Chính quyền địa phương không thể giữ chân được lực lượng lao động trẻ của Lào nói chung và của huyện nói riêng, ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, đặc biệt là Thái Lan, nơi có sự tương đồng lớn về văn hóa, ngôn ngữ với Lào. Bên cạnh đó, việc theo dõi, kiểm soát lao động Lào nhập cảnh Thái Lan trái phép cũng vượt ngoài khả năng của cơ quan chức năng các địa phương.
Theo ông Bunlom, vị này thừa nhận lợi ích của việc làm tại nước ngoài giúp lao động Lào có cơ hội tiếp xúc với cuộc sống phát triển hiện đại, đồng thời được tham gia thị trường việc làm rộng lớn, thu nhập tốt hơn nhiều so với tại que nhà, ngoài ra, lao động còn được hưởng lợi khi tốc độ phát triển tay nghề bản thân nhanh hơn do được tiếp cận với công nghệ, kiến thức mới.
Song song với đó, vị lãnh đạo công đoàn địa phương này cho biết, những khó khăn chung của phần lớn lao động Lào tại nước ngoài là chi phí sinh hoạt, đồng thời phải xa gia đình, đối mặt với nguy cơ bất công trong các hợp đồng lao động, ngoài ra lao động trái phép sẽ phải trốn tránh lực lượng chức năng. Nguy hiểm hơn nữa, những đối tượng lao động trẻ dễ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người.
Đề cập đến vấn đề lao động tại địa phương, ông Bunlom cho biết, huyện Thapangthong là địa phương nghèo, lao động trẻ muốn sang tìm kiếm việc làm tại Thái Lan đều xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn và đông con. Cộng với tác động tâm lý của làn sóng lao động ra nước ngoài đều trở về làm kinh tế gia đình khấm khá hơn, ảnh hưởng từ phương tiện thông tin đại chúng cũng là một phần khiến lực lượng lao động trẻ quyết định gắn bó với cuộc sống “xa mà không xa” ở bờ bên kia dòng Mekong.
Theo SVPTN