Hội nghị tổng kết ngành Công thương 2018 của Lào đã diễn ra hôm 1-2/4 vừa qua dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Khemmany Phonsena.
Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Lào vượt kế hoạch 12 %, lưu thông hàng hóa trong nước đạt 57.612 tỷ Kíp, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5.4 tỷ USD, vượt kế hoạch 7,8% và tăng 10.9% so với cùng kỳ.
Báo cáo tổng kết 2018 và phương hướng của ngành trong năm 2019 tại hội nghị, thứ trưởng Công thương Bunmy Manivong cho biết, giá trị của ngành sản xuất công nghiệp sản xuất đạt 10.770 tỷ Kíp, vượt kế hoạch 12% và tăng 16.97% so với cùng kỳ.
Lưu thông hàng hóa trong nước năm 2018 đạt 57.612 tỷ Kíp, vượt kế hoạch đề ra 39%, tăng 12.65% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 11,258 tỷ USD, vượt 13% chỉ tiêu đặt ra và tăng 16% so với cùng kỳ. Xuất khẩu đạt 5,410 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 7.8%, tăng 10.9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu 5,848 tỷ USD, vượt định mức 17% ( 4,978 tỷ USD), tăng 21% so với cùng kỳ.
Ngành Công thương Lào năm 2018 thực hiện được một số công tác trọng tâm nổi bật trên cơ sở 3 kế hoạch nòng cốt bao gồm:
1. Kế hoạch hội nhập kinh tế trong khu vực và quốc tế nhìn chung đã đạt được những thành tựu tích cực, đặc biệt là việc thực hiện những công ước quốc tế của Lào với tư cách là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO; Tiếp tục tổ chức đàm phán các hợp tác kinh tế – thương mại đa phương trong khu vực và các tiểu vùng, các hợp tác song phương chính chủ yếu với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.
2. Chú trọng thực hiện công tác cải thiện môi trường kinh doanh trên cơ sở triển khai Chỉ thị 12/TT về việc tổ chức thực hiện 8 biện pháp thúc đẩy kinh tế. Củng cố các cơ chế dưới luật, quy định và cơ chế hỗ trợ tiến hành kinh doanh tại Lào. Các ban ngành hữu quan đã nỗ lực giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với hoạt động kinh doanh, giảm công đoạn thủ tục hành chính từ 10 bước xuống còn 3-4 bước, giảm thời gian cấp phép kinh doanh từ 174 ngày xuống còn 30-40 ngày.
3. Xây dựng kế hoạch ứng phó cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo thích nghi với việc gia tăng cạnh tranh. Chú trọng thực hiện chiến lược phát triển các doanh nghiệp nhỏ SMEs. Tập trung tìm kiếm thêm các nguồn vốn trong và ngoài nước để thành lập quỹ cho vay tín dụng qua hệ thống ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs.
Đối với công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho SMEs mở rộng thị trường trong nước và tham gia vào thị trường nước ngoài. Khuyến khích tổng số 385 đơn vị doanh nghiệp tham gia tổng cộng 68 cuộc triển lãm hàng hóa tại nước ngoài. Tiếp tục thúc đẩy phát triển các sản phẩm thế mạnh như Cà phê, gạo và sản phẩm ODOP.
Tổng hợp