Bài toán “ thiếu kỹ năng”, “ không có kỹ năng ” thậm chí là không đủ trình độ văn hóa của lực lượng lớn lao động Lào là bài toán thách thức khả năng giải quyết của chính quyền.
Trong 7 triệu người dân Lào, và sẽ dự kiến sẽ lên đến 8 triệu trong vòng một thập kỷ tới có đến 4.4 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có 2.3 triệu người làm nông nghiệp.
Lào có mức tăng trưởng hàng đầu khu vực Đông Nam Á bình quân 8%/năm với đầu tàu là ngành công nghiệp phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên như điện lực, khoáng sản. Mặc dù có dòng vốn đầu tư khổng lồ, tuy nhiên, lao động Lào không nhận được lợi ích nhiều, chỉ có 1.2% nhu cầu việc làm trong nước được đáp ứng. Viện nghiên cứu Quốc gia Lào giải thích về con số đáng buồn trên là do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực công nghiệp tại Lào không muốn sử dụng lao động địa phương vì cho rằng họ thiếu trình độ và kỹ năng làm việc. Trong khi đó, Chính phủ mới chỉ có chính sách khuyến khích đơn thuần, không có bất cứ cơ chế ràng buộc nào khiến các nhà đầu tư vốn không mặn mà với lao động nội địa càng dễ dàng nhập khẩu và sử dụng lao động nước ngoài.
Chính phủ định hướng phát triển ngành sản xuất và dịch vụ là nòng cốt cho nền kinh tế Lào trong tương lai, tuy nhiên vẫn phải thừa nhận Lào chưa thể thoát khỏi phụ thuộc vào “ xương sống” nông nghiệp trong ít nhất những năm tới đây, bởi lực lượng lao động nội địa phần lớn vẫn làm nghề nông. Mặc dù có thế mạnh về tỉ trọng lao động, ngành Nông nghiệp vẫn chưa cho thấy khả năng sản xuất và năng suất xứng tầm.
Trình độ lao động Lào chưa cần xét đến kỹ năng chuyên môn, nền tảng kiến thức văn hóa cơ bản cũng là vấn đề cần được Chính phủ cải thiện nhiều hơn nếu muốn nâng cao chất lượng lao động nội địa. Tỷ lệ đáng kể người hoàn thành bậc tiểu học nhưng vẫn chưa đọc thông viết thạo luôn là con số mà những người làm giáo dục thở dài mỗi khi nhìn đến bản báo cáo tổng kết thường kỳ của ngành.
Theo bản báo cáo phân tích thị trường lao động của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ, việc thiếu hụt nguồn lao động là một trong những trở ngại cho việc phát triển tư nhân tại Lào. Vấn đề thiếu hụt lao động liên quan đến vấn đề “ thiếu kỹ năng” nếu không muốn nói nghiêm trọng hơn là không có kỹ năng. Điều này phản ánh chất lượng giáo dục từ phổ thông, cao cấp đến dạy nghề tại Lào đang còn thấp, hiệu quả lao động thấp, công lao động thấp khiến lao động Lào chọn cách tìm kiếm việc làm ở các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan.
Nhiều nhà đầu tư vào Lào đã cố gắng đào tạo lao động nội địa nhưng cho biết đã gặp phải nhiều khó khăn như hạn chế về nguồn vốn, thời gian và lo ngại khi được đào tạo xong, lao động không còn mặn mà với công việc nữa…
Một số chủ phòng trọ giá rẻ cho lao động trên địa bàn thủ đô Viêng Chăn trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, mặc dù rất muốn hỗ trợ cho lao động Lào, đặc biệt là lao động nghèo nhưng khi chứng kiến trực tiếp cuộc sống của lực lượng lao động này cho thấy tinh thần trách nhiệm cực kỳ thấp, thường xuyên xin ứng tiền công sớm nhưng ít khi hoàn thành công việc đúng tiến độ. Lấy ví dụ đơn cử, một nhóm gồm 3 lao động làm việc cùng nhau, nếu hai người đến trước thì gần như chắc chắn họ sẽ đợi người còn lại đến rồi mới bắt tay vào công việc để tránh bị “ thiệt”, cộng với tay nghề hạn chế dẫn đến hiệu quả lao động thấp, hay tự ý bỏ việc khiến nhiều người sử dụng lao động ngán ngẩm và mất công thuê lao động khác gây thiệt hại cả về thời gian và tiền bạc.
Chiến lược phát triển ngành giáo dục của Lào giai đoạn 2016-2020 đang đi đến giai đoạn cuối với nỗ lực “ đảm bảo học viên tốt nghiệp đào tạo nghề cả tư nhân lẫn nhà nước có khả năng đáp ứng cơ bản được tiêu chuẩn người sử dụng lao động đưa ra” bằng cách yêu cầu mỗi tỉnh phải thành lập được ít nhất một trung tâm và một trường đào tạo nghề, đảm bảo ít nhất 60% số học sinh tốt nghiệp phổ thông có khả năng tiếp cận và tốt nghiệp đào tạo nghề.