Theo nội dung Kế hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội 5 năm lần thứ 8, mục tiêu của Lào trong giai đoạn 2016-2020 là có mức tăng trưởng bình quân 7.2%/năm. Tuy nhiên, đối mặt với nhiều thách thức, khả năng tăng trưởng của Kinh tế Lào chỉ đạt bình quân 6.7% sau 4 năm qua.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, nước này sẽ cần thêm khoản đầu tư 5.3 tỷ USD, tương đương 26% tổng GDP để đảm bảo khả năng tăng trưởng từ 6.7-7% vào năm 2020.
Khoản vốn này bao gồm 50% đến từ đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước, chủ yếu là trong lĩnh vực thủy điện, đặc khu Kinh tế, công nghiệp chế biến và du lịch. 22% trong đó đến từ lĩnh vực đầu tư tài chính – ngân hàng, 11% đến từ đầu tư công và phần còn lại là vốn ODA.
Trong 4 năm đã qua, Lào phải vật lộn để phát triển nền Kinh tế dễ tổn thương từ bên ngoài và hạn chế thu ngân sách. Ngoài ra, giá cả thị trường và khoáng sản bấp bênh khiến một trong những nguồn thu chính của Lào không ổn định.
Đã không dưới 2 lần, Chính phủ Lào thừa nhận việc nước này bị thâm hụt ngân sách kinh niên, nợ công tăng cao, dự trữ ngoại hối yếu và liên tục bị thất thoát tài chính. Nợ công và các khoản thanh toán dự án chậm cản trở sự phát triển của khu vực doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.
Năm 2016, Lào đạt mức tăng trưởng GDP 7%, năm tiếp theo, khả năng tăng trưởng giảm nhẹ, còn 6.9% và năm ngoái, sau nhiều sự cố, mức tăng trưởng GDP của Lào chỉ đạt 6.3%. Nhiều tổ chức dự báo, trong đó có cả Chính phủ Lào, khả năng tăng trưởng năm 2019 này chỉ có thể ở mức 6.5-6.7%.
Lào vẫn đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kiểm soát tham nhũng, quản lý chặt chẽ ngành gỗ và đầu tư mạnh vào các siêu dự án với kỳ vọng đạt mức tăng trưởng đột biến trong tương lai.
Theo Laoedaily