Năm 2020, diện tích che phủ rừng của Lào khả năng sẽ đạt 68%, tiệm cận mục tiêu 70% mà Chính phủ nước này đề ra.
Theo báo cáo tình trạng rừng từ Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông Lâm Lào cho biết, năm 2015, diện tích bao phủ rừng của nước này đạt 58% với mức tăng bình quân 2%/năm. Như vậy, độ bao phủ rừng cho đến năm 2020 khả năng sẽ đạt 68% với tổng diện tích 16.28 triệu Ha, trong đó có 4.816 triệu Ha rừng bảo tồn, 7.9 triệu Ha rừng bảo vệ và 3.1 triệu Ha rừng sản xuất. Ngoài ra, diện tích canh tác cây công nghiệp của Lào cho đến năm 2020 sẽ đạt hơn 480 nghìn Ha. Để đạt được mục tiêu 70% rừng bao phủ, Chính phủ Lào cần có biện pháp phủ kín 473.600 Ha của 2% còn lại.
Về ngành Lâm nghiệp của Lào, năm 2005, Chính phủ Lào đã ban hành chương trình hành động gồm 3 biện pháp nhằm đạt mục tiêu rừng bao phủ đạt 70% diện tích cả nước, trong đó bao gồm việc phục hồi 6 triệu Ha diện tích rừng suy thoái, thực hiện trồng 500 nghìn Ha cây công nghiệp và ngăn chặn nạn chặt phá rừng trái phép.
Tính đến thời điểm hiện tại, 3.2 triệu Ha rừng suy thoái trên đã được phục hồi tự nhiên hoặc tái sinh, tương đương 54% mục tiêu. Ngoài ra, 484 nghìn Ha diện tích cây công nghiệp của Lào đã được trồng bao gồm cao su, bạch đàn, gỗ tếch và trầm hương, báo cáo cho biết thêm.
Về công tác bảo vệ rừng, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt ngành gỗ và cấm xuất khẩu gỗ thô đã có hiệu lực kể từ 13/5/2016. Tiếp đó, Chính phủ Lào cũng đã cắt bỏ hoàn toàn hạn ngạch khai thác gỗ 200 nghìn Ha/năm. Đến nay, chính quyền chỉ cho phép chặt cây trong các đợt tận thu lâm sản để nhường mặt bằng cho các dự án phát triển. Ngoài ra, năm 2019, Bộ Nông Lâm có chương trình khuyến khích trồng mới hơn 20 nghìn Ha rừng.
Khi được Vientiane Times đặt câu hỏi về tính khả thi của mục tiêu độ che phủ rừng 70% cho đến năm 2020 khi Lào vẫn đang cho phép khai thác gỗ thương mại trên diện tích 3.1 triệu Ha rừng sản xuất và 480 nghìn Ha đất trồng cây công nghiệp, một lãnh đạo Bộ Nông Lâm cho biết, việc khai thác gỗ sản xuất sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo tính bền vững cho rừng. Đồng thời, quy định chỉ cho phép khai thác 4-7 m3 trong tối thiểu 70m3 gỗ thô có thể khai thác trên diện tích một Ha rừng. Ngoài ra, đối với mỗi khu vực rừng bị chặt, Chính quyền chỉ cho phép quay lại khai thác sau ít nhất 15 năm, thời gian đủ để rừng tái sinh.
Về diện tích 480 nghìn Ha trồng cây công nghiệp, tương đương 3% tổng diện tích rừng bao phủ, việc khai thác gỗ tại đây là không đáng kể khi khả năng sinh trưởng của cây công nghiệp không đồng nhất, vị lãnh đạo bộ Nông Lâm cho biết thêm.
Theo Vientiane Times