Lào đang thực hiện khảo sát các sản phẩm nông nghiệp mà nước này có khả năng tự cung ứng để giảm bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu những mặt hàng nói trên.
Mới đây, Chính phủ Lào đã phê duyệt thành lập Ủy ban xúc tiến nông nghiệp và chỉ định Phó thủ tướng Sonexay Siphandone làm chủ tịch, đây sẽ là cơ quan đầu tàu để thi hành các chính sách đưa nông dân, nhà sản xuất và nhà cung ứng tạo thành chuỗi giá trị cho hàng nông sản Lào.
Theo đó, Ủy ban xúc tiến nông nghiệp sẽ hỗ trợ người dân thúc đẩy năng suất nông nghiệp trong nước, đảm bảo dư thừa nguồn cung nội địa và hướng đến các thị trường trong khu vực. Đồng thời, giới hạn vai trò của Ủy ban này sẽ nằm ở việc trực tiếp xử lý các nguồn hàng hóa nhập khẩu và lưu thông trái phép tại Lào.
Động thái này được thực hiện trong bối cảnh thâm hụt vãng lai do lệ thuộc nhập khẩu của Lào ở mức cao 12% và quỹ dự trự ngoại tệ yếu cũng như tỷ giá hối đoái biến động theo hướng bất lợi cho đồng Kíp. Theo Thứ trưởng Nông Lâm Bounkhuang Khambounheuang, Chính phủ Lào sẽ làm mọi cách để tăng năng suất cho ngành nông nghiệp để ít nhất đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Thứ trưởng Nông Lâm cho rằng tiềm năng nông nghiệp của Lào là không nhỏ, tuy khiên sản lượng thấp là do mô hình sản xuất phân tán và khả năng phân phối gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nông dân Lào phần nhiều vẫn đang dựa vào kỹ thuật canh tác truyền thống và ít sử dụng phân bón hóa học khiến giá hàng hóa đắt hơn cả hàng nhập khẩu.
Lào cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường cho người nông dân , đặc biệt là cải thiện khả năng tiếp thị sản phẩm, Thứ trưởng Bounkhuang cho biết.
Trong thời gian gần đây, hàng hóa nhập khẩu trái phép xuất hiện trên thị trường được cho là đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất của Lào. Đồng thời, việc yếu kém trong quy hoạch phân vùng nông nghiệp cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là nguyên nhân dẫn đến sự yếu thế của hàng hóa nội địa Lào.
Mặt khác, nông dân Lào gặp khó khăn do không có khả năng tiếp cận tài chính lãi suất thấp, chi phí đầu tư sản xuất cao, hệ thống thủy lợi đều không hoạt động hiệu quả do giá điện đắt đỏ.
Tiềm năng nông nghiệp của Lào đủ lớn và nhiều thị trường có nhu cầu nhập khẩu của Lào. Cuba cần mua của Lào 100.000 tấn gạo, Indonesia cần 1 triệu tấn và Việt Nam cần 500.000 gia súc nhưng Lào không đủ khả năng để đáp ứng những đơn hàng này.
Theo KTXH