Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào, dự kiến dòng ngoại tệ vào hệ thống năm 2024 ở mức không thấp hơn 48% so với tổng giá trị xuất khẩu hoặc 58% tổng giá trị dòng tiền thực tế chảy vào nền kinh tế.
Theo các số liệu nghiên cứu, từ lâu Lào luôn ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách, đặc biệt là nguồn ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Tuy nhiên từ năm 2010, các hoạt động đầu tư nước ngoài vào Lào và các gói vay từ các nước đối tác và các tổ chức quốc tế khiến lượng ngoại tệ chảy vào Lào tăng mạnh.
Nhận thức được những nguy cơ mang lại từ vấn đề nợ công tăng cao, năm 2018 Chính phủ Lào bắt đầu dừng vay vốn từ nước ngoài. Động thái này đã khiến nguồn ngoại tệ trong nước giảm mạnh. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đến các ngành du lịch, xuất nhập khẩu… khiến nguồn thu ngoại tệ sụt giảm nghiêm trọng. Nhằm giải quyết vấn đề trên, Ngân hàng Trung ương Lào đã đưa ra nhiều biện pháp giải quyết vấn đề thiếu hụt ngoại tệ, đồng thời điều chỉnh cơ cấu nguồn thu bền vững.
Ngân hàng Trung ương Lào tập trung quản lý ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu điện năng, khoáng sản và các loại hàng hóa… Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào, dự kiến nguồn ngoại tệ chảy vào hệ thống ngân hàng sẽ tăng mạnh trong năm 2024, đạt tỉ lệ ít nhất 48% giá trị xuất khẩu và 58% tổng dòng ngoại tệ chảy vào hệ thống kinh tế. Ngoài ra, để tăng nguồn thu ngoại tệ, CHDCND Lào cũng phải thúc đẩy đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều hơn, khôi phục ngành du lịch đã bị ảnh hưởng.
Tổng hợp