Với hệ sinh thái hơn 1000 loài cá, có nhiều loại được đưa vào sách đỏ vì nguy cơ tuyệt chủng do hoạt động đánh bắt, kiến tạo, xây dựng các đập ngăn dòng phục vụ cho mục đích thủy điện.
Những con cá Măng khủng được tìm thấy gần đây là một phần nhỏ minh chứng cho mức độ giàu có và phong phú của hệ sinh thái dòng Mekong. Vốn là nguồn sống cho khoảng 100 triệu người thuộc hàng trăm nhóm dân và sắc tộc của 6 quốc gia mà dòng sông này chảy qua.
Vào mùa di cư cao điểm, lưu lượng cá có thể lên đến 3 triệu con mỗi giờ, đưa dòng Mekong trở thành vùng di cư lớn nhất trên thế giới. Với kích cỡ và trọng lượng khủng, nhiều loài cá đặc hữu trên dòng Mekong đang giảm nhanh chóng về số lượng và nhiều loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao như cá tra dầu, cá chép Thái, cá đuối nước ngọt, cá vồ cờ… đặc biệt là loài cá heo nước ngọt irrawaddy.
Năm 2017, Campuchia và Lào đã thành lập một ủy ban chung nhằm bảo tồn và gia tăng số lượng quần thể cá nước ngọt trên sông Mê Kông trong bối cảnh trữ lượng cá sông Mê Kông đang suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động đánh bắt trái phép và xây dựng đập thủy điện.
Theo đó, hai bên thống nhất thành lập một ủy ban chung đồng thời đại diện hai quốc gia cũng thành lập Đội Quản lý ngư nghiệp xuyên quốc gia cho sông Mê Kông và sông Sê Kông nhằm giám sát các nỗ lực bảo tồn cá trên hai con sông này.
Đối với Lào nói riêng, chiến dịch bảo tồn quần thể các do Cục Phát triển du lịch, Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào phối hợp với Sở Nông Lâm và nhân dân các tỉnh địa phương tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, tìm phương án và biện pháp bảo tồn các loài đặc hữu để giữ gìn sự đa dạng sinh thái của dòng sông Mekong được bắt đầu từ năm 2016 tại một số khu vực không được công bố vị trí cụ thể. Dự kiến thành quả của công tác sẽ tạo nên bức tranh tự nhiên hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho việc bảo tồn và khôi phục các quần thể cá tự nhiên, tăng cường các dịch vụ du lịch giải trí và trả lại nguồn tài nguyên cá cho dòng Mê Kông.
Ngoài ra, việc đưa các giống cá tự nhiên sông Mekong có nguy cơ tuyệt chủng cao ra khỏi danh mục thói quen ẩm thực của người dân Lào cũng là một vấn đề quan trọng mà Chính phủ Lào cần tìm hướng giải quyết bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả trong thời điểm chưa quá muộn như hiện nay.