Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng Nhân dân thủ đô Viêng Chăn khóa II, Đô trưởng thủ đô Viêng Chăn Atsaphangthong Siphandone đã báo cáo kỳ họp về việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch ngân sách năm 2024 của thủ đô, trong đó nêu bật vấn đề về lao động và phúc lợi xã hội.
Đô trưởng Viêng Chăn cho biết: Thủ đô Viêng Chăn đã quan tâm phối hợp với các thành phần kinh tế cả khu vực công và tư nhân cũng như các tổ chức quốc tế để tổ chức thực hiện công tác đào tạo, nâng cao tay nghề lao động cho các nhóm mục tiêu; sử dụng hệ thống dữ liệu thông tin trong phát triển tay nghề lao động để cung cấp thông tin lao động có tay nghề cho thị trường lao động; củng cố mạng lưới dịch vụ tìm kiếm việc làm ở các huyện vững mạnh và có thể cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả, kịp thời.
Qua tổ chức thực hiện, thủ đô Viêng Chăn đã khuyến khích tìm kiếm việc làm cho 6.512 người có nhu cầu việc làm, thực hiện vượt kế hoạch 41,56% (nghị quyết 4.600 người); đã thu thập và tổng hợp thống kê 2.632 lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động thời vụ ở Hàn Quốc. Trong đó, đã đăng ký cho 1.670 người, lựa chọn phỏng vấn 1.338 người và thông qua phỏng vấn 633 người.
Ngoài ra, đã đăng ký và gia hạn giấy phép lao động cho lao động nước ngoài đang làm việc tại thủ đô Viêng Chăn 11.567 lượt người với 49 quốc tịch khác nhau. Trong đó, đăng ký lao động nước ngoài 6.960 lượt người và gia hạn giấy phép lao động cho 4.607 lượt người. Nhìn chung, thủ đô Viêng Chăn có thể tổ chức thực hiện đạt được 17 mục tiêu về công tác lao động và phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn đọng, như việc phát triển kỹ năng lao động còn kém hiệu quả, do những người đến độ tuổi lao động chưa quan tâm đến việc theo học các trường dạy nghề hoặc các trung tâm đào tạo phát triển kỹ năng lao động trong nước; sự quan tâm của người lao động đến việc làm ở nước ngoài ngày càng tăng và trở nên phổ biến; môi trường làm việc, an toàn lao động, tiền lương, phúc lợi của một số đơn vị lao động trong nước chưa tạo động lực cho người lao động, cùng với khó khăn kinh tế – tài chính, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao, khiến tiền lương lao động không tương xứng với chi phí sinh hoạt hàng ngày của người lao động. Từ đó dẫn đến tình trạng lực lượng lao động có xu hướng đi làm việc ở các nước lân cận, cả hợp pháp và bất hợp pháp, dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong nước.
Tổng hợp