Theo thông tin từ báo chí Lào, 90% lượng khách du lịch tại Lào thời gian qua là đến từ nước ngoài, trong đó,lượng du khách đến từ các nước ASEAN chiếm đến 90%. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy triển vọng hồi phục của ngành du lịch, góp phần tích cực cho nền kinh tế Lào.
Lượng du khách từ các nước ASEAN chiếm đến 90% lượng du khách quốc tế đến Lào trong năm 2022. (Ảnh: Trịnh Quốc Dũng) |
Tăng nguồn thu ngoại tệ, đóng góp tích cực cho nền kinh tế
Kể từ khi Lào mở cửa trở lại từ ngày 9/5/2022, số lượng khách du lịch quốc tế đến với đất nước Triệu Voi đã tăng trở lại. Theo thông tin từ Cục Phát triển Du lịch (thuộc Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào), đa số khách du lịch nước ngoài đến Lào là từ Thái Lan, Việt Nam và một số nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Báo cáo của các Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch các địa phương trên cả nước Lào cho biết, khoảng 80% khách du lịch là người nước ngoài đến thủ đô Vientiane nhập cảnh vào Lào qua Cửa khẩu Cầu Hữu nghị Lào-Thái số 1, sau đó tiếp tục di chuyển bằng đường sắt cao tốc Lào-Trung để đến các địa điểm du lịch nổi tiếng của Lào ở Vangvieng, hay cố đô Luang Prabang – thành phố di sản thế giới, và các tỉnh miền bắc của Lào.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Lễ hội mãn chay năm 2022 (Bun Ọoc-phăn-sả), số lượng khách du lịch quốc tế đến đặt phòng tại cố đô Luang Prabang tăng lên đáng kể. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy triển vọng nguồn thu ngoại tệ từ khách du lịch nước ngoài sẽ tăng lên, đóng góp tích cực cho kinh tế Lào.
Du lịch là một trong 6 ưu tiên quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Lào. Chính phủ Lào đã nỗ lực thúc đẩy du lịch bằng nhiều hình thức như: tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế trong cung cấp thông tin về vấn đề đi lại trong nước, vấn đề lưu trú, cải tạo các khu du lịch và dịch vụ.
Bên cạnh việc thúc đẩy du lịch, Chính phủ Lào còn tiếp tục cấp ngân sách cho Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch các địa phương trọng điểm về du lịch như: thủ đô Vientiane, LuangPrabang, Champasak, Luang Namtha, Khammuane, Vangvieng… nhằm quản lý chặt chẽ giá cả hàng hóa, giá vận tải và dịch vụ tại các điểm du lịch nổi tiếng, cải thiện các vấn đề vệ sinh và tạo thuận lợi trong tham quan nhằm thu hút khách du lịch.
Ngoài việc thông tin rộng rãi về các biện pháp xuất nhập cảnh bằng tiếng Lào và tiếng Anh, Chính phủ Lào còn đẩy mạnh truyền thông về chính sách mở cửa đất nước trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước một cách rộng rãi và đồng bộ nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến với đất nước Triệu Voi.
Các chuyên gia du lịch đang làm việc tại Lào, các công ty du lịch cũng thông báo rộng rãi đến các đối tác nước ngoài nhằm xúc tiến các hoạt động lữ hành. Chính quyền các địa phương cũng khuyến khích việc các du khách quốc tế đăng tải hình ảnh và video khi du lịch tại Lào lên mạng xã hội nhằm góp phần quảng bá cho ngành du lịch Lào.
Theo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, đểbảo đảmthực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia giai đoạn 2021-2025, ngành Thông tin, Văn hóa và Du lịch của Lào phấn đấu trong năm 2022 sẽ thu hút hơn một triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Lào, tạo doanh thu khoảng 271 triệu USD.
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch Lào
Kể từ khi bùng phát năm 2020, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành du lịch của Lào. Các doanh nghiệp Lào hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã phải tạm dừng các dịch vụ. Thêm vào đó, các biện pháp hạn chế xuất-nhập cảnh và đi lại trong nước cũng đã làm cho lượng khách du lịch sụt giảm mạnh.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến lượng khách du lịch của Lào sụt giảm mạnh trong hơn 2 năm qua, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Lào. (Ảnh: Trịnh Quốc Dũng) |
Trước năm 2020, du lịch là một ngành kinh tế đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho Lào cùng với nguồn thu từ xuất khẩu điện và khoáng sản. Năm 2019, Lào đón hơn 4,79 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Lào, trong đó có 45% đến từ Thái Lan, 21,3% đến từ Trung Quốc, 19,3% đến từ Việt Nam, 4,2% đến từ Hàn Quốc…
Nguồn thu từ du lịch năm 2020 đem lại cho nền kinh tế Lào 934 triệu USD, đạt mức tăng trường 15%. Điều này cho thấy du lịch đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào, chiếm 9,1% giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hơn 300.000 người.
Theo thống kê của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào và Liên hợp quốc, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và du lịch của Lào. Năm 2020, khách du lịch đến Lào từ Thái Lan đã giảm 77%, từ Trung Quốc giảm 47%, từ Việt Nam giảm 73%, từ Hàn Quốc giảm 70%.
Nguồn thu từ du lịch giảm 41%, thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 79%, thu từ các công ty du lịch giảm 79%, thu từ việc tham quan các điểm du lịch giảm 81%, thu từ các nhà hàng quán ăn giảm 72%, số lượng hành khách của Hãng Hàng không quốc gia Lào giảm 66,3%. Số lượng khách du lịch quốc tế giảm 74%, nguồn thu ngoại tệ giảm 70-80%. Lao động trong ngành du lịch không có việc làm; số lượng không nhỏ các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, quán ăn phải đóng cửa.
Trong giai đoạn Chính phủ Lào thực hiện các biện pháp hạn chế, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, có đến 65% số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tập trung nhiều ở các địa phương có thể mạnh về du lịch như: tỉnh Luang Prabang, huyện Vangvieng, tỉnh Vientiane…
Thống kê cho thấy, hơn 80% doanh nghiệp phải cắt giảm 50% số lao động, khiến kinh tế nhiều hộ gia đình gặp khó khăn, vấn đề nợ gia tăng, tổng cầu trong nước sụt giảm. Ngoài ra, dịch Covid-19 còn gây thất thu cho Lào hơn 136 triệu USD từ nguồn kiều hối dosố lao động ở nước ngoài phải trở về nước lên tới hơn 130.500 người.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại Lào, tỷ lệ thất nghiệp chiếm đến 23,4% (số liệu tháng 7 năm 2020),tỷ lệ lạm phát tăng mạnh từ 3,3% năm 2019 lên 6,1% vào đầu năm 2020. Điều này khiến giá thực phẩm, quần áo, vật dụng gia đình, chi phí y tế… tăng mạnh trong hai năm qua.
Số liệu cũng cho thấy, khoảng 361.000 người dân Lào có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này cũng sẽ làm tăng thêm khoảng 5,2% tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước Lào, trong đó đa số là người dân sống ở các vùng nông thôn.
Theo NDĐT