Trong giai đoạn hiện nay, Lào cũng như thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, như lạm phát, giá hàng hóa tăng cao và đời sống khó khăn. Đặc biệt ở Lào lại càng khó khăn hơn so với các nước xung quanh hoặc các nước có nền kinh tế lớn mạnh hơn.
Theo nghiên cứu của các tổ chức kinh tế, yếu tố bên ngoài là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu này xuất phát từ chiến sự giữa Nga và Ukraine và xung đột giữa Israel và Palestine. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là sự cấm vận, phong tỏa của Mỹ và các nước phương Tây hay nhóm NATO đối với nền kinh tế Nga, đặc biệt là việc ngăn chặn xuất khẩu dầu của Nga đã tác động nghiêm trọng đến hệ thống kinh tế toàn cầu.
Khó khăn kinh tế ở mỗi nước là khác nhau. Đối với Lào, ngoài việc bị ảnh hưởng bởi lạm phát trầm trọng chưa từng thấy, giá cả hàng hóa, sinh hoạt đắt đỏ, đời sống người dân khó khăn, người dân còn phải thực hiện các nghĩa vụ công dân của mình với Chính phủ như thuế đất đai, thuế giá trị gia tăng có sự thay đổi từ 7% lên 10%… ngoài ra, người dân còn phải chịu các chi phí duy trì liên quan đến lĩnh vực viễn thông. Những vấn đề trên nhận được sự quan tâm, bàn luận rộng rãi của dư luận trong thời gian qua, cũng như hiện tại.
Tất cả những vấn đề đã nêu trên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, gây ra những vấn đề xã hội đáng lo ngại như trẻ em bỏ học, tỷ lệ lao động ra nước ngoài làm việc ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng thiếu lao động trầm trọng tại Lào, sản xuất sụt giảm do nhu cầu đầu tư cao .v.v… Nhìn chung, cơ sở sản xuất và năng lực sản xuất của Lào còn nhỏ, cơ sở kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp và thu thuế, công nghiệp nặng cơ bản không phát triển, xuất khẩu và nhập khẩu hạn chế.
Tuy nhiên, nếu toàn thể nhân dân Lào đoàn kết nâng cao ý thức dân tộc, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ theo đường lối của Đảng: “Tự lực, tự chủ, tự cường”, xây dựng lối sống tiết kiệm, tăng năng suất lao động và xây dựng kinh tế hộ gia đình phù hợp với điều kiện, tiềm năng của mình, thì sẽ cùng nhau vượt qua được cơn khủng hoảng này. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn, thực hiện chính sách giúp đỡ người dân xây dựng cơ sở sản xuất nông nghiệp bền vững, từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc vào kinh tế bên ngoài, tập trung xây dựng nội lực vững mạnh.
Tổng hợp